Không chỉ được nhập về bằng đường chính thức mà nhiều mặt hàng còn về VN bằng đường tiểu ngạch, hàng nhập lậu. Chủng loại hàng hóa ngày càng đa dạng.
Tăng cả số lượng lẫn chủng loại
Tại các chợ đầu mối ở TP.HCM như Bình Điền (Q.8), chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức)... khoai tây, cà rốt, tỏi, hành, nấm... ngoại nhập tiếp tục tấn công hàng nội địa trên quy mô lớn. Anh Vũ Phương, tiểu thương chợ Bình Điền, cho biết do khoảng cách giá cả giữa hàng trong nước và hàng ngoại nhập khá xa như giá tỏi trong nước cao gấp đôi, giá cà rốt cao gấp rưỡi, khoai tây cao gấp đôi... nên đầu ra hàng nhập rất ổn định và ngày càng rộng.
Hàng nhập về vẫn chủ yếu qua hai nguồn từ cảng Cát Lái (Q.2) và các cửa khẩu phía Bắc. Trong đó, có đến 30% hàng được vận chuyển theo đường bộ từ phía Bắc vào. Theo anh Phương, hồi đầu năm cứ khoảng ba ngày sạp hàng của anh tiêu thụ một container 40 feet nhưng nay chỉ cần hai phiên chợ đêm là đã hết hàng.
Ông Nguyễn Bá Định, phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, cho biết các mặt hàng như văn phòng phẩm, bút, bì thư, miếng chùi xoong nồi, miếng rửa chén... vẫn được nhập khẩu về thường xuyên. Trong đó, các mặt hàng nông sản có mức tăng đột biến. Nếu như trong năm tháng đầu năm có khoảng 7.200 tấn cà rốt được nhập về, thì năm tháng tiếp sau đó 14.100 tấn cà rốt nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng cộng trong mười tháng đầu năm nay, lượng cà rốt nhập khẩu lên đến 21.300 tấn.
Hàng nông sản từ Trung Quốc thuế nhập chỉ 0% Theo quy định hiện nay, nếu có C/O chứng minh xuất xứ, hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Trong khi đó, theo quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng, các mặt hàng như bắp cải, cải thảo, xà lách, tỏi, cà rốt, khoai tây... thuộc diện không bị đánh thuế giá trị gia tăng. Riêng đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia... thuế suất nhập khẩu là 5%. Nhờ được hưởng mức thuế thấp, giá nhập khẩu lại rẻ nên hàng nông sản nhập khẩu luôn có giá rẻ hơn nhiều so với nông sản trong nước. Một số mặt hàng như bắp cải, cải thảo, bông cải... giá tương đương hàng Đà Lạt dù quãng đường vận chuyển xa hơn rất nhiều. |
Tương tự, lượng hành nhập khẩu cũng tăng vọt từ 947 tấn trong năm tháng đầu năm nay lên đến 8.350 tấn, các loại nấm từ 887 tấn “nhảy” tới gần 7.740 tấn... Lượng táo, nhãn, me... nhập khẩu cũng tăng vùn vụt. Hầu hết mặt hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc, Malaysia. Ở mặt hàng trái cây, ổi, mận Trung Quốc, cùng với chuối, thơm Philippines trước đây mới chỉ xuất hiện ở siêu thị và một số sạp bán lẻ, nay đã trở nên phổ biến tại các sạp trái cây.
Đáng chú ý, hàng nông sản nhập khẩu không chỉ là tỏi, khoai tây, cà rốt... mà nay còn phổ biến ở mặt hàng bắp cải, cải thảo, thậm chí xà lách, hành lá... Tại các chợ đầu mối, bắp cải, xá lách, cải thảo xuất xứ Trung Quốc ngày càng nhiều, được đóng trong các thùng xốp lớn, bảo quản lạnh với giá bán tương đương hàng VN.
Một cán bộ hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cho hay hồi đầu năm đa số nông sản nhập khẩu là mặt hàng củ quả, chỉ lác đác vài lô rau ăn lá. Nay rau nhập khẩu về ngày càng nhiều, không chỉ là buôn bán nhỏ lẻ của cư dân biên giới mà về bằng xe container.
Nhập 1.118 tấn... tăm tre
Hồi đầu năm nay, báo Tuổi Trẻ từng đề cập lượng tăm tre nhập về gây bất ngờ vì đây là mặt hàng truyền thống, VN có thế mạnh vùng nguyên liệu. Thế nhưng đến cuối tháng 10-2010, các cán bộ Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I lại tiếp tục bất ngờ vì số lượng nhập khẩu về tăng chóng mặt. Nếu như trong năm tháng đầu năm mới chỉ khoảng 82 tấn thì lượng nhập trong năm tháng tiếp đó tăng gấp 12,6 lần. Tính từ đầu năm đến nay, lượng tăm tre nhập khẩu đã lên đến 1.118 tấn.
Anh Trần Văn Phước, một nhà nhập khẩu tăm tre tại TP.HCM, cho biết để chiếm lĩnh thị trường, tăng lượng hàng vào VN, các đối tác của anh tiếp tục bán hàng với giá rẻ hơn, hiện khoảng 130 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với hồi giữa năm nay. Nhờ đó chỉ sau vài tháng xuất hiện tại một số siêu thị và cửa hàng tạp hóa, nay tăm tre nhập khẩu len lỏi vào hầu khắp các chợ bán lẻ, cửa hàng tạp hóa và siêu thị.
Theo một cán bộ ngành kiểm dịch thực vật tại TP.HCM, sở dĩ tình trạng nhập khẩu nông sản ngày càng ồ ạt là bởi các biện pháp kiềm chế nhập khẩu, hàng rào kỹ thuật vẫn chưa được áp dụng. Nông sản nhập khẩu vào VN quá dễ dàng, không có quy định nhiều về chủng loại, mẫu mã, và khâu kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm còn thực hiện sơ sài. Hàng qua cửa khẩu chỉ thử nhanh, còn hàng về cảng chỉ kiểm dịch sâu bệnh.
Anh Vũ Phương cho hay hàng nhập về không cần giấy chứng nhận kiểm dịch của nước sản xuất, chỉ cần kiểm dịch sâu bệnh đạt là có thể vào VN, bất chấp có dư lượng hóa chất bảo quản hay không. Trong khi đó, trên thị trường người tiêu dùng trong nước vẫn chưa có cơ sở phân biệt hàng nội - hàng ngoại khi quy định về thông tin xuất xứ vẫn chưa được tiểu thương áp dụng phổ biến với hàng nông sản.