Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giống thủy sản năm 2011: Thiếu nguồn giống chất lượng
24 | 02 | 2011
Ngành Thủy sản Việt Nam trong 10 năm qua đã có những bước tăng trưởng rõ rệt.

Theo nhận định của ngành chức năng, doanh nghiệp, người nuôi thủy sản, năm 2011, nguồn giống chất lượng cung cấp cho vùng nuôi thủy sản đang thiếu hụt trầm trọng, nhất là nguồn giống tôm sú và cá tra. Giống cá tra và tôm sú ở vùng ĐBSCL ngày càng giảm chất lượng, do tình trạng đẻ ép, nguồn cá bố mẹ đang lão hóa...

Cung không đủ cầu...

Thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) toàn vùng ĐBSCL hiện có 175 cơ sở sản xuất cá tra giống (chỉ bằng 82% so với năm 2009). Năm 2010, các cơ sở đã sản xuất trên 2,38 tỉ cá tra giống các loại, tăng 19% so với năm 2009 và đủ cung cấp nhu cầu giống cá tra, với diện tích nuôi 5.420 ha. Các cơ sở tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ. Hiện giá cá giống đang tăng do nguồn cung giảm, tỷ lệ hao hụt trong ươm giống khá cao. Năm 2010, giá cá giống dao động ở mức 450 - 1.750 đồng/con tùy theo kích cỡ giống, từng địa phương và từng điểm bán khác nhau. Theo đánh giá của các địa phương, người nuôi và doanh nghiệp trong vùng, chất lượng giống cá tra những năm gần đây có dấu hiệu suy thoái, do chất lượng đàn cá bố mẹ không đảm bảo, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm.

Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, tỉnh Đồng Tháp khẳng định, từ tháng 12/2010 đến nay, nhiều cơ sở ươm giống cá gần như không đạt. Ươm giống nguy cơ thua lỗ rất cao, có những hộ dân ở huyện Tân Hồng, Tam Nông ươm cá giống ban đầu tài sản hơn 100 công đất, giờ chỉ còn chừng 10 - 20 chục công! Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 1 trung tâm giống của tỉnh, 5 trại của huyện và nhiều cơ sở trong dân, hằng năm cung cấp 1,3 tỉ con giống ra thị trường. Các cơ sở sản xuất giống đáp ứng đủ nhu cầu nuôi cá trong tỉnh (năm 2010 diện tích thả nuôi 1.570 ha), nhưng công tác kiểm dịch hạn chế, sản xuất phân tán, thiếu tập trung nên khó quản lý.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (tỉnh Tiền Giang), nguồn cung cá giống đang thiếu hụt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vụ nuôi cá 2011 - 2012. Do nguồn giống để tái đàn rất hiếm, nếu đầu tư làm giống phải đến tháng 6/2011 mới có đàn giống mới. Diện tích nuôi cá đang giảm, từ nay đến tháng 9/2011, nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu chế biến. Trong khi đầu năm lãi suất ngân hàng tăng cao, người nuôi và doanh nghiệp đều lo ngại.

Bên cạnh việc thiếu nguồn cá tra giống, thì giống tôm sú chất lượng nguồn cung không đủ cầu, do nhiều địa phương nuôi tôm sú ở ĐBSCL vẫn phụ thuộc vào nguồn tôm giống nhập khẩu từ các tỉnh miền Trung. Năm 2010, tổng lượng tôm sú giống sản xuất đạt trên 28,3 tỉ con; trong đó, hơn 60% sản xuất ở các tỉnh Nam Trung bộ.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, thời gian gần đây, có sự dịch chuyển vào các tỉnh phía Nam như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, dù điều kiện không thuận lợi như miền Trung, nhưng con giống sản xuất ở đây thích nghi tốt với môi trường. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa có trại giống quy mô đạt chuẩn. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, địa phương có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất cả nước, chiếm gần 40% diện tích nuôi trồng cả nước, nhận xét: “Hiện nay, các cơ sở sản xuất tôm sú giống trong tỉnh nhỏ lẻ, trang thiết bị, lực lượng kỹ thuật không đảm bảo yêu cầu. Do vậy, hằng năm vẫn còn lượng lớn giống chưa đạt yêu cầu lưu thông trên thị trường, việc quản lý giống nhập tỉnh còn nhiều bất cập, các cơ quan liên quan phối hợp chưa đồng bộ, nên việc quản lý lỏng lẻo”.

Đầu tư đồng bộ để phát triển bền vững

Ngành Thủy sản Việt Nam trong 10 năm qua đã có những bước tăng trưởng rõ rệt. Đặc biệt, ngành cá tra xuất khẩu năm 2000 đạt khoảng 400 triệu USD, thì năm 2010 đạt hơn 1,4 tỉ USD, tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng “nóng” thời gian qua đã làm cho sản xuất và tiêu thụ cá tra gặp nhiều khó khăn, nhất là cung vượt cầu đã đưa giá xuất khẩu từ 3 USD/kg năm 2007 về mức giá thấp nhất còn 2,3 USD vào tháng 6-2010. Còn hiện nay, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tập hợp 20 doanh nghiệp lớn để định giá bán cá tra ở một số thị trường trọng điểm, giá bán thị trường Mỹ tăng 10%, EU tăng 20% so với trước; hiện giá sàn xuất khẩu cá tra phi-lê đang ở mức 3,2 USD/kg.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (tỉnh Tiền Giang) cho rằng, việc đầu tư ồ ạt cho nuôi trồng thủy sản, người nuôi thua lỗ liên tục, ngành xuất khẩu cá từ khủng hoảng thừa vào khủng hoảng thiếu nguyên liệu. Ông Minh nói: “Việc thừa và thiếu là do chưa có quy hoạch chiến lược phát triển cho ngành cá và cũng chưa xác định mặt hàng chiến lược của quốc gia. Công suất của các nhà máy chế biến thủy sản tại Việt Nam hiện nay trên 2 triệu tấn/năm trong khi khả năng nuôi trồng để có nguyên liệu cho nhà máy là không cao do sự kết hợp và định hướng cho việc phát triển chưa tốt”. Để ngành cá tra phát triển ổn định, cần đưa con cá tra quản lý có điều kiện, đảm bảo cân đối cung - cầu. Như vậy, người nuôi có lãi để tiếp tục đầu tư, còn các doanh nghiệp có thể bán cao hơn giá sàn thông qua hoạt động cạnh tranh chất lượng, chứ không phải cạnh tranh về giá như hiện nay.

Tại hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra, nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011 ở TP Cần Thơ mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: Cuối năm 2011 sẽ chuyển giao 100.000 con cá tra hậu bị cho ĐBSCL. Năm 2011, diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL từ 6.000 - 6.300 ha, sản lượng giống cần 2,5 - 2,6 tỉ con. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, đàn cá hậu bị đang được nuôi dưỡng tại viện phát triển khá tốt, cuối năm 2011 sẽ chuyển giao về các địa phương để hay thế đàn cá bố mẹ, tiến đến nâng cao chất lượng cá tra thương phẩm trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, năm 2011, tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chính, Bộ sẽ sớm ban hành tiêu chí cho vùng nuôi và phấn đấu 50% diện tích nuôi tôm được đánh số, thực hiện truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường chuyển giao kỹ thuật nhân giống cho các địa phương, để các địa phương chủ động nguồn giống. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng, hiện nay có một vài doanh nghiệp đến tỉnh đầu tư cơ sở sản xuất giống quy mô lớn, với những đầu tư căn cơ này, ngành thủy sản vùng ĐBSCL phát triển khả quan hơn.



Theo cafef.vn
Báo cáo phân tích thị trường