Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhật Bản có thể nhập khẩu gạo Việt Nam
06 | 04 | 2011
Cùng với khả năng trở lại từ Nhật Bản và kế hoạch ký hợp đồng tiếp theo với Bangladesh, sẽ đưa thị phần của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới tiến gần hơn với Thái Lan.

Nhu cầu gạo do Việt Nam sản xuất đang tăng mạnh, với thoả thuận tới hơn 1 triệu tấn trong vài tuần gần đây. Nhật Bản có khả năng sẽ nối lại nhập khẩu gạo từ nước ta.

Cùng với khả năng trở lại từ Nhật Bản, một khách hàng tiềm năng của Việt Nam, và kế hoạch ký hợp đồng tiếp theo với Bangladesh, sẽ đưa thị phần của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới lên gần hơn với Thái Lan.

Với các hợp đồng xuất khẩu bao gồm 250.000 tấn cho Cuba, 200.000 tấn cho Philippin, 200.000 tấn cho Bangladesh và 400.000 tấn cho Indonesia, giá gạo nước ta đã được duy trì ổn định đến tăng dù rằng vụ thu hoạch đang chuẩn bị hoàn tất ở khu vực ĐBSCL.

Vụ mùa Việt Nam đã khiến cho giá gạo trắng Thái Lan, giá chuẩn của gạo châu Á, ở mức 490 USD/tấn hiện nay, thấp hơn một nửa so với mức đỉnh hồi khủng hoảng lương thực năm 2008 và giảm 10% từ đầu năm tới nay.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Trương Thanh Phong cho biết, đầu năm nay, tín hiệu từ phía Nhật cho thấy nước này muốn nối lại việc nhập khẩu gạo Việt Nam, với khối lượng chừng 250.000 tấn. Hiện Hiệp hội Lương thực đang phối hợp với các cơ quan chức năng tìm những vùng sản xuất đảm bảo được các yêu cầu khắt khe của Nhật Bản.

Trong khi đó một quan chức phụ trách nông nghiệp của Nhật Bản thì cho biết ông không đựơc báo cáo về việc sẽ nhập khẩu gạo từ Việt Nam, và rằng Nhật Bản có dự trữ khá và không lo lắng gì về nguồn cung. Ý kiến này của ông cũng giống như nhận định của FAO hồi tháng trước khi cho rằng động đất và sóng thần hôm 11/3 ở Nhật Bản sẽ không ảnh hưởng tới sản lượng gạo hay các loại lương thực khác của đất nước.

Nhật Bản đã từng ngừng mua gạo của Việt Nam hồi năm 2009 sau khi phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu có hàm lượng cao trong gạo Việt Nam. Nhưng các thương nhân thì cho biết, họ có chuyến hàng xuất sang Nhật lần cuối là năm 2007.

Phía các quan chức Nhật Bản thì cho biết, kể từ khi phát hiện gạo có vấn đề từ Việt Nam, Nhật Bản không nhận được bất kỳ hồ sơ chào bán nào từ Việt Nam, và rằng Nhật Bản đã không ban hành bất kỳ lệnh cấm nào với gạo của chúng ta.



Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường