Dù biết rõ hầu hết các đối tượng tham gia thu mua trốn thuế (vì không có bất cứ một loại hóa đơn, chứng từ nào), tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn không thể ngăn chặn tình trạng này vì… chưa bắt được “tận tay”.
Mua tận vườn
Điều đáng nói là những khu trồng tiêu này đã được doanh nghiệp Việt Nam bỏ vốn đầu tư vùng nguyên liệu, nhưng khi thương nhân Trung Quốc vào tận vườn gom lẻ thì nông dân vẫn bán.
Ông Lê Đình Huấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, tình trạng này đã diễn ra trong nhiều tháng nay, tuy nhiên gần đây Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê mới bị phát hiện, tuy nhiên vẫn chưa có trường hợp nào bị “bắt tận tay” mà chỉ biết thông tin thông qua những người mua bán lẻ ở các địa phương sau khi những thương vụ mua bán lén lút này đã kết thúc.
Hình thức mua gom của thương nhân Trung Quốc là dùng xe con, xe du lịch, tới các hộ trồng tiêu mua với số lượng từ 500kg đến 1 tấn, sau đó hàng được tập kết và vận chuyển về Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Những người mua gom tỏ ra khá hào phóng, thường trả mức giá cao hơn 1 – 2% so với giá thị trường.
Tuy nhiên theo ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, dù mua giá cao hơn, nhưng người mua gom bất hợp pháp vẫn có lợi vì nếu mua đường đường chính chính bằng hóa đơn, chứng từ sẽ phải chịu mức thuế 5%.
Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính thức nhưng ông Bính ước đoán, tại nhiều địa phương của Gia Lai, có đến 50% lượng hồ tiêu được thương nhân Trung Quốc mua gom theo hình thức này.
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), ông Đỗ Hà Nam cho biết, gần như toàn bộ sản lượng hồ tiêu từ Bắc Trung Bộ trở ra và vùng bắc Tây Nguyên đều bị thương nhân Trung Quốc thu mua theo cách như vậy.
Khó xử lý
Trong khi chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu, ông Lê Đình Huấn cho biết, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê chỉ biết tuyên truyền đến hội viên và các hộ trồng không tiếp tay cho hoạt động kinh doanh trái phép này.
Ông Đỗ Hà Nam cho biết, nhiều lần Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế thắc mắc về sản lượng hồ tiêu VN xuất vào Trung Quốc, tuy nhiên VPA không đưa ra được con số cụ thể vì không thể kiểm soát được nguồn tiêu này. Không ít doanh nghiệp trong nước tỏ ra bức xúc trước thực tế “cốc mò cò xơi” này.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, họ phải bỏ tiền đóng thuế lấy nguồn thu đầu tư cho các vùng trồng, nhưng đến mùa thu hoạch lại bị thương nhân Trung Quốc mua kiểu “hớt tay trên” như vậy. “Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cân bằng trong ngành kinh doanh hồ tiêu”- ông Đỗ Hà Nam cảnh báo.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, nước ta không cấm thương nhân nước ngoài vào mua bán, tuy nhiên họ chỉ được phép mua bán buôn chứ không được tham gia mua bán lẻ như vậy.
“Bộ đã nghe phản ánh tình hình này tuy nhiên không có trường hợp cụ thể nào được phát hiện là mua ở đâu, mua bao nhiêu, ai mua bán… nên rất khó đưa ra biện pháp xử lý” – ông Biên nói.