Từ tháng 6.2011, lò giết mổ gia cầm của ông La Mâu Toại, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang có thêm tám công nhân mới là người Hồ Bắc – Trung Quốc. Họ được một thương nhân Trung Quốc thuê, đưa sang Việt Nam làm công việc giết mổ vịt. Toàn bộ sản phẩm đều được chủ mua mang về Trung Quốc. Đó là trường hợp cụ thể cho việc doanh nghiệp Trung Quốc lên kế hoạch để hoàn chỉnh dây chuyền mua nguyên liệu từ Việt Nam.
Kiểm soát chất lượng đầu vào
Ông Toại cho biết, cách nay vài tháng, có người phiên dịch dẫn một ông thương nhân nói tiếng Hoa đến, ngỏ ý muốn thuê lại cơ sở để thu gom vịt đẻ, vịt siêu thịt giết mổ đem về Trung Quốc làm vịt quay. Mặc dù giá thuê không được ông Toại tiết lộ, nhưng có lẽ thương vụ thuê đứt cả cơ sở công suất 700 – 1.000 con mỗi đêm hấp dẫn hơn nhiều lần so với công việc giết mổ bán nội địa trước đây, mới khiến ông Toại đồng ý. Thuê xong địa điểm, ông chủ Trung Quốc không sử dụng lao động tại chỗ mà đưa luôn người từ Hồ Bắc qua là công nhân để kiểm soát chất lượng. Và ông Toại được trả tiền thuê để làm đầu mối thu gom vịt.
Ở khu vực Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá (Long An), nơi tập trung đàn vịt đẻ chạy đồng lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Đinh Văn Thế, chi cục trưởng chi cục Thú y Long An cho biết cũng xuất hiện các lò chuyên giết mổ vịt theo đơn đặt hàng của thương nhân Trung Quốc. “Họ sang thuê lại cơ sở, rồi thuê luôn chủ lò mổ mua gom vịt, giết mổ rồi đóng container lạnh chở về”, ông Thế nói.
Thương nhân Trung Quốc không ngồi ở văn phòng mua hàng qua mail, fax, mà thường vào tận các vùng nguyên liệu, tuyển thông dịch, thuê thương lái hoặc doanh nghiệp Việt Nam lo việc mua gom, còn họ thì chỉ việc đứng ra giám sát. Ông Toại nói, thương nhân Trung Quốc thường túc trực ở cửa lò mổ để loại những con không đạt 1kg trở lên.
Anh Keo, một đại lý mua dừa có trụ sở ở Bến Tre nói rằng khi thương nhân Trung Quốc có mặt ở vườn dừa, nghĩa là họ nắm rõ thông tin mùa vụ, nhận định sát xu hướng thị trường, từ đó đưa ra mức giá mua hợp lý. “Thương nhân Trung Quốc thường đưa ra mức giá trước một ngày để tôi đặt với thương lái. Nhưng bao giờ cũng vậy, khi hàng chở lên tàu thì họ tìm mọi cách ép…”, anh Keo tâm sự. Với vai trò trung gian mua dừa từ miệt vườn bán lên tàu cho thương nhân Trung Quốc, cứ mỗi trái dừa anh Keo hay những đại lý khác ở Bến Tre được trả 50 đồng tiền công, bao gồm cả tiền điện thoại, tiền thuê ghe ngày hai lượt chở dừa từ Bến Tre ra các tàu neo đậu ở bến Hàm Luông, kể cả chọn dừa, chuyển dừa từ ghe lên tàu…
Bà Năm, chủ cơ sở chuyên chế biến trứng muối ở An Giang kể: “Người mua trứng muối tại Trung Quốc ngỏ ý sẵn sàng đầu tư thêm vốn để tôi mở rộng nhà xưởng. Họ muốn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ hàng theo từng tháng, từng quý…” Trong khi đó, nhiều công ty lớn chuyên sản xuất bánh trung thu tại TP.HCM mua trứng từ cơ sở này về làm bánh trong nhiều năm, nhưng mỗi mùa bánh đều không đưa ra số lượng mua chắc chắn, không hề có cam kết lâu bền. Chính vì vậy bà Năm cũng như nhiều chủ cơ sở muối trứng khác ưu tiên bán cho thương nhân Trung Quốc hơn.
Yếu thế ngay trên sân nhà
Nhiều thương lái dừa ở Bến Tre cho biết họ thích bán cho thương nhân Trung Quốc vì lấy liền tiền mặt, hàng không bị loại nhiều như doanh nghiệp Việt Nam. Cũng theo các thương lái này, doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ dừa của Việt Nam chưa có ai bỏ tiền đầu tư hay ký hợp đồng mua bán với nhà vườn. Tương tự là mặt hàng cao su. Hợp đồng ký với đối tác nước ngoài khi giá thị trường tăng hay giảm họ vẫn lấy hàng và số lượng mủ mua dự báo trước cả năm. Còn doanh nghiệp trong nước sẵn sàng phá vỡ hợp đồng nếu thấy có lợi cho họ, và họ thường mua nhỏ giọt chứ không có kế hoạch chuẩn bị dài hạn.
Gia tăng xuất khẩu, thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá hàng hoá tăng cao, sản xuất bị đình trệ, mà việc đóng cửa một số cơ sở chế biến dừa ở Bến Tre là ví dụ điển hình. Theo sở Công thương tỉnh Bến Tre, hơn 70 doanh nghiệp và khoảng 1.000 cơ sở tham gia sản xuất, chế biến ở địa phương hoạt động chưa đến 70% công suất.
Theo SGTT