Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm hướng đi cho các doanh nghiệp ngành gỗ
21 | 05 | 2011
AGROONFO - Hôm 20/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức hội thảo với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp chế biến gỗ để thực hiện nghị quyết 11/CP của Chính phủ góp phần quản lý rừng bền vững'.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (2008) ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã dần phục hồi trở lại và có những bước phát triển ổn định hơn trong năm 2009 và 2010 (năm 2009 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gần 2,6 tỷ USD, năm 2010 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,4 tỷ USD...Tuy nhiên bước sang năm 2011 đang gặp phải không ít những khó khăn, phải đối mặt với những rào cản thương mại từ nước ngoài (như LACEY, FLEGT, REACH ....), trong nước thì gặp những khó khăn về tài chính, ngân hàng, lãi xuất vay cao, tỷ giá hối đoái chưa ổn định, nguồn ngoại tệ của các ngân hàng thiếu, khó khăn về nguyên liệu. Một số thị trường trọng điểm về xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đang phải ứng phó với thiên tai lớn như Nhật Bản hoặc một số nước của EU chưa khắc phục được tình trạng thâm hụt tài chính sẽ có tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam.

Trước tình hình trên, Hiệp hội gỗ và lâm sản đã tổ chức hội thảo này nhằm giúp các doanh nghiệp quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh xã hội.

 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyên các doanh nghiệp trước mắt cần tập trung vào 7 giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, dừng và tạm hoãn xây dựng mới các công ty xây dựng chế biến và mua sắm trang thiết bị mới. Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp gỗ sử dụng gỗ rừng trồng trong nước để thay thế dần cho gỗ nhập khẩu. Thứ ba, tiết kiệm nguyên liệu gỗ bằng việc sử dụng công nghệ tiên tiến. Thứ tư, các doanh nghiệp chủ động xây dựng định mức nội bộ và quy trình quản lý sản xuất theo hướng tổ chức sản xuất kinh doanh mang tính chuyên nghiệp cao. Thứ năm, tìm mọi giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Thứ sáu, đẩy mạnh việc thâm nhập vào thị trường các nước theo hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) để tận dụng các ưu đãi về thuế và mở cửa thị trường. Thứ bảy, tìm ra những cơ hội mới tại các thị trường đang gặp khó khăn về thiên tai hoặc thị hiếu của người tiêu dùng.

Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, ông Vũ Long – Chuyên gia kinh tế Lâm nghiệp VIFA dự báo rằng: nhu cầu về sản phẩm gỗ trên thị trường thế giới đang có chiều hướng tăng cao, đặc biệt là tại các thị trường chính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các thị trường Trung Đông...Trong khi đó thì nguồn cung đang bị hạn chế do khan hiếm về nguyên liệu. Cũng trong Quý I/2011, nhập khẩu gỗ của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức khá cao và tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm được làm từ gỗ rừng trồng trong nước của Việt Nam cũng liên tục tăng. Dự báo, trong năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10-15%.

Trước tình hình trên, ông Vũ Long khuyên các doanh nghiệp nên tiến hành rà soát các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung với quy mô đủ lớn gắn với các nhà máy chế biến gỗ, nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển nguyên liệu; Đầu tư các giải pháp khoa học công nghệ, nghiên cứu, tuyển chọn giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu xuất khẩu và nội địa; Đầu tư thích ứng với công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giống, kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng cho người tham gia trồng rừng thông qua chương trình khuyến lâm; Các doanh nghiệp chế biến gỗ cùng với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư, trồng rừng nguyên liệu để có nguồn nguyên liệu ổn định.

TH



Báo cáo phân tích thị trường