Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành nông nghiệp, một năm nhìn lại
30 | 08 | 2007
Năm 2006 đánh dấu một năm đầy biến động của ngành nông nghiệp Việt Nam. Mặc dù có nhiều nông sản đứng ở tốp đầu trong số những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như đồ gỗ, gạo, thuỷ sản, cao su, càphê... nhưng những diễn biến bất thường của dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc và dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa,... đang đặt ra cho ngành những thách thức không nhỏ.
Những con số ấn tượng

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do khô hạn, bão lũ, mưa đá, dịch bệnh nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì được sự phát triển. Quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tiếp tục được đẩy mạnh. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,4%, trong đó nông nghiệp tăng 3,6%, lâm nghiệp tăng 1,2% và thuỷ sản tăng 7,7%. Diện tích lúa cả năm ước đạt 7, 324 triệu hecta, giảm 4.800ha so với năm 2005 do chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh hạn, năng suất bình quân đạt 48, 91 ta ạ /ha, bằng năm 2005, sản lượng 36,1 - 36, 2 triệu tấn. Về chăn nuôi, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng lợn và gia cầm giảm so với năm 2005 nhưng mức giảm không lớn, riêng đàn bò tăng 16,52%.

Đây cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng ngoạn mục của một số nông sản xuất khẩu chủ lực. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 6, 6 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2005. Lần đầu tiên, càphê được “gia nhập” câu lạc bộ “1 tỷ USD” với kim ngạch xuất khẩu 1, 1 tỷ USD nhờ thuận lợi về giá và thị trường (giảm 8,2% về lượng nhưng tăng tới 34,6% về kim ngạch so với năm 2005). Cao su cũng vinh dự được đứng trong hàng ngũ này (đạt kim ngạch 1, 3 tỷ USD). Riêng xuất khẩu gạo chỉ hoàn thành 98,4% kế hoạch (1, 38 tỷ USD) do thực hiện yêu cầu của Chính phủ ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Xuất khẩu hàng rau quả cũng rất ấn tượng với kim ngạch trên 260 triệu USD, tăng 11,5% so với năm 2005. Những con số này đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của cả nước gần chạm ngưỡng 40 tỷ USD.

Thách thức còn nhiều

Thách thức lớn nhất là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sau hơn một năm vắng bóng, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại tại 5 xã - phường của 4 huyện thuộc hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Những ngày này, tỉnh Hậu Giang cũng đang điêu đứng vì dịch bắt đầu bùng phát. Tổng số gia cầm bị tiêu huỷ tại 3 tỉnh lên tới trên 9.000 con. Trong khi đó, dịch lở mồm long móng lại bắt đầu "hoành hành" tại Tuyên Quang và Hậu Giang. Bước đầu Tuyên Quang đã xác định được 742 con trâu, bò, lợn bị bệnh, trong đó khu vực huyện Nà Hang có 381 con. Nguy hiểm hơn, số gia súc bị mắc bệnh ở Hậu Giang thuộc diện đã được tiêm phòng vắc - xin. Theo TS.Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp &PTNT), lực lượng thú y địa phương đã tiến hành hủy toàn bộ số gia súc mắc bệnh, đồng thời tiêu độc, khử trùng môi trường, tiêm phòng vắcxin cho toàn bộ gia súc nhiễm. Được biết, trong thời kỳ cao điểm (tháng 7 - 8/2006), dịch bệnh lan ra 41 tỉnh - thành phố với trên 10.000 con trâu - bò và 12.000 con heo bị mắc.

Một trong những dịch bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia là dịch rầy nâu và vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Tính đến cuối tháng 11/2006, tổng diện tích nhiễm rầy nâu ở các tỉnh phía Nam lên tới trên 100.000ha. Riêng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang diễn ra nghiêm trọng, với 68.499ha lúa bị nhiễm, các địa phương đã vận động nông dân tiêu huỷ 9.456ha. Các “điểm nóng” của dịch bệnh là Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, nơi có mật số rầy cao và tỉ lệ lây lan bệnh nhanh. Nhiều biện pháp phòng trừ và xử lý lúa bị nhiễm bệnh đã được tuyên truyền đến bà con nông dân như áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng”, phòng trừ rầy nâu theo phương pháp “4 đúng”, tiêu huỷ ngay những ruộng lúa bị nhiễm bệnh dưới 30%. Dịch bệnh này là hệ quả tất yếu của quá trình sản xuất chạy theo số lượng, không coi trọng chất lượng và bảo đảm bền vững với môi trường.

Vụ đông xuân 2007 sẽ còn khó khăn hơn năm 2006 vì tình hình hạn hán đang xảy ra ở nhiều nơi. Tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, lượng nước thiếu hụt ở mức 67 - 90% so với trung bình nhiều năm. Tại Bắc Bộ, nước từ thượng nguồn tiếp tục giảm 15 - 30%.

Nhìn tổng quát bức tranh chung của ngành nông nghiệp năm 2006 có thể thấy, quá trình tăng trưởng sản xuất đang phải đương đầu với thử thách ngày càng gay gắt về tính hiệu quả và bền vững. Vì vậy, phải áp dụng các chính sách mới để chuyển từ sản xuất theo quy mô rộng, chạy theo diện tích và sản lượng sang phát triển sản xuất theo chiều sâu, lấy giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm làm mục tiêu. Chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ đạo kịp thời, cương quyết để bà con sản xuất theo quy hoạch nhằm khống chế dịch bệnh; tăng cường đưa các giống cây - con sạch bệnh, rõ nguồn gốc vào sản xuất. Những cơ hội và thách thức của năm 2006 sẽ là cơ sở để ngành chức năng có một quyết sách đúng đắn giúp nông nghiệp Việt Nam giữ vững nhịp độ tăng trưởng trong năm 2007, hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.



Theo nongthon.net
Báo cáo phân tích thị trường