Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các doanh nghiệp đang dần tự chủ nguyên liệu xuất khẩu cá tra
17 | 06 | 2011
AGROINFO - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) vừa công bố kết quả khảo sát của đơn vị này tại 43 nhà máy chế biến, xuất khẩu cá tra. Kết quả khảo sát cho thấy, 15% doanh nghiệp đã chủ động 100% nguồn nguyên liệu cho sản xuất; 41% chủ động được từ 60-80% nguyên liệu…
Cũng theo Vasep, hiện diện tích nuôi cá tra của doanh nghiệp là 2.247ha, chiếm 37% diện tích nuôi của đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, các doanh nghiệp hiện đang dần tự chủ đối với nguyên liệu xuất khẩu cá tra.
Cùng với đó, những lợi thế như được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT), chủ động thức ăn, con giống, chủ động ngoại tệ,… cũng góp phần giúp các doanh nghiệp chủ động hơn với nguồn nguyên liệu cá tra xuất khẩu.
Trong thời gian tới, để cá tra của Việt Nam đứng vững hơn nữa trên thị trường thế giới, theo Vasep, các cơ sở nuôi cần nâng cao chất lượng cá giống, đầu tư cá giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; phát triển hệ thống nuôi trồng theo chuỗi liên kết giữa các nhà máy chế biến, người nuôi, nhà sản xuất thức ăn.
Được biết, trong 10 năm qua, thị trường xuất khẩu cá tra đã mở rộng đến 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện cá tra Việt Nam chiếm đến 95% thị trường cá phi-lê thịt trắng trên thế giới.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp này đang dần tự chủ nguyên liệu cá tra, họ cũng nên thăm dò thị trường xuất khẩu, cần áp dụng tối đa các bộ tiêu chuẩn nhập khẩu của đối tác nước ngoài. Tránh các vụ kiện, ví dụ như bán phá giá.... Hiện nay, nguồn cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam đang phát triển mạnh, thị trường liên tục được mở rộng, cũng vì thế mà người dân nuôi cá tra đã có nhiều cơ hội cho đầu ra sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp khi thu mua nguyên liệu cũng nên chú ý tới lợi ích của người dân, chính họ là những lao động chính mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho doanh nghiệp.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường