Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Chúng ta thiếu thịt từ mấy tháng nay rồi!"
20 | 07 | 2011
“Năm 2008, chúng ta tiêu hủy khá nhiều heo, thế nhưng có vấn đề thiếu thịt đâu. Cũng phải nói rằng, hiện thiếu thịt heo, giá cả cao như vậy, người hưởng lợi là nhiều công ty chăn nuôi heo lớn”, ông Hoàng Văn Năm, quyền cục trưởng Thú y (bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nói chiều 19.7.

Thưa ông, vừa qua, có nhận định cho rằng thực phẩm tăng giá đột biến trong hai tháng qua là do dịch bệnh cuối năm 2010, đầu năm 2011, nên ảnh hưởng tái đàn của người dân. Ông thấy thế nào?

Ở nước ta, dịch bệnh lúc nào cũng có. Dịch tai xanh trước tết âm lịch chúng ta đã khống chế được rồi. Hồi tháng 4 vừa rồi, có 5, 6 tỉnh có dịch, nhưng xảy ra rất nhẹ. Việc dịch bệnh xảy ra là có, nhưng tại sao trước kia lại không xảy ra hiện tượng thiếu thịt như thế này. Còn nhớ, 2005-2006, khi bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quyết định dừng nuôi vịt chạy đồng, ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng thực tế số lượng vịt chạy đồng còn hơn thời chưa cấm.

Ở đây tôi muốn nói, người chăn nuôi họ tính toán lợi ích kinh tế, chi phí và lợi nhuận, lợi nhuận cao họ làm, còn thấp thì họ không làm. Còn dịch bệnh chỉ là một yếu tố. Tôi nói rõ rằng, công tác tuyên truyền cũng chưa chuẩn, ở chỗ dự báo về khả năng đủ thực phẩm cách đây từ tháng 3, 4 chưa chuẩn. Lúc mà chúng tôi biết, heo từ nước ngoài đưa vào, thì các cơ quan của ta vẫn nói là giá heo vẫn thấp, và vẫn khuyên xuất khẩu đi. Nhưng tình hình thực tế, chúng tôi biết, điều đó không phải. Chúng ta thiếu thịt từ hồi tháng 4 rồi.

Cái gốc của vấn đề là người chăn nuôi do dự. Những hộ chăn nuôi có chuồng trại năm chục, một trăm con... bây giờ họ nghĩ là thịt thừa rồi, trong lúc giá cả thức ăn, con giống tăng cao, vốn không có đầu tư vào, đến lúc bán ra lại rơi vào tình trạng được mùa mất giá.

Chứ còn tính toán, về dịch bệnh thì chưa là cái gì cả. Dịch xảy ra ở vùng nọ, vùng kia thôi, nhưng nếu mình nói, báo động với người dân biết rằng đang được giá, đang thiếu hàng, hãy nuôi đi thì khác. Nên phải mổ xẻ lại vấn đề, chứ dịch bệnh chưa là gì cả.

Ông thấy sao khi cục Chăn nuôi công bố, trong 6 tháng đầu năm, đàn nái giảm tới 8,6%, chất lượng đàn heo nái cũng ảnh hưởng do dịch bệnh?

Số heo tiêu hủy trong đợt dịch, chủ yếu là heo nhỏ, theo mẹ. Heo nái có chết, nhưng số lượng ít. Vậy thử hỏi 8,6% ấy, trong số heo bị tiêu hủy (khoảng 500 nghìn con) thì bao nhiêu là heo nái? Hay là 8,6% trong tổng số 28 triệu con heo? Phải nói cụ thể. Còn trong số liệu tiêu hủy, không nhiều. Năm 2008, chúng ta tiêu hủy khá nhiều heo, thế nhưng có thiếu thịt đâu. Thiếu thịt heo như vậy, giá cả cao như vậy, người hưởng lợi là nhiều công ty chăn nuôi heo lớn.

Thời gian qua, có hiện tượng heo Trung Quốc và gà loại thải đang nhập lậu vào Việt Nam. Có địa phương như Bắc Giang cũng xác nhận có heo từ Trung Quốc đã nhập vào Việt Nam và đang lo ngại về chất lượng?

Người buôn bán là phải có lãi. Nếu lỗ hoặc hòa vốn thì người ta không làm. Đừng bàn cãi về chuyện giá thấp. Giá của mình nói thấp hơn giá trong khu vực, thông tin đó là sai lệch, mà thực ra từ tháng 4, heo Trung Quốc đã vào rồi, tức là giá heo của mình cao hơn bên Trung Quốc. Còn chuyện chất lượng, hiện chưa có bằng chứng nào để kết luận.

Bảo chất lượng heo kém, đó chỉ là suy luận. Chăn nuôi phải có quá trình, ít nhất là 90 ngày, từ lúc cai sữa đến lúc giết thịt. Có phải là heo của họ chất lượng kém, bán cho Việt Nam đâu, và nếu giá thịt heo ở Việt Nam thấp thì họ bán cho ai? Họ cũng phải tiêu thụ chứ. Tất nhiên, điều này chúng ta cũng quan quan tâm, chứ không phải tất cả điều xấu.

Còn về vấn đề kiểm soát heo nhập, đây là vấn đề tiểu ngạch, buôn lậu. Còn chính ngạch thì không có. Cái này thì không phải của cục thú y mà của địa phương (ban chỉ đạo 127, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại).

Thưa ông, trách nhiệm của thú y trong phòng chống dịch bệnh thời gian qua ra sao?

Trách nhiệm của thú y là tham mưu, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật. Còn trong lực lượng chống dịch, thú y chỉ là một, là lực lượng nòng cốt thôi. Đứng đầu phải là chính quyền địa phương, tập hợp các lực lượng như thú y, chăn nuôi, quản lý thị trường, công an; các đoàn thể địa phương…

Chẳng hạn như việc tiêm phòng địa phương của xã, thú y là người đứng ra tiêm, nhưng ai là người đứng ra tổ chức tiêm, ai là người trả tiền, đi thông báo? Ở đây, cấp nhỏ nhất phải là trưởng thôn, trường ấp, mạnh hơn nữa là cấp ủy phải vào cuộc. Trong tiêm phòng, đến một lúc nào đó, người chăn nuôi phải yêu cầu thú y tiêm, nếu không tiêm phải làm ầm lên, khi đó tình hình dịch bệnh mới khá được.

Còn hiện nay, tâm lý người dân tránh được tiêm phòng là tốt, nên cứ viện lý do này kia, nào là không bắt được trâu bò, không ai giữ, trâu đang chửa… Không tiêm phòng thì dịch bệnh có thể xảy ra.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường