Chỉ cần hỏng 5% là lỗ vốn
Ông Nguyễn Vĩnh Quý, Chủ DN Hoàng Quý, xã Mỹ Thạnh An (TP.Bến Tre - Bến Tre) chuyên XK các loại trái cây như bưởi da xanh, dừa xiêm sang thị trường châu Âu cho biết, hiện nay cái khó nhất của DN là không thể nào chủ động được nguồn nguyên liệu. Hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất - nhập khẩu trái cây, DN của ông chủ yếu nhờ vào các đầu mối quen biết để có nguồn hàng ổn định. "Các loại trái cây đã xây dựng được thương hiệu như bưởi da xanh thì nguồn cung cấp hàng còn đều đặn, với các loại trái cây mới, "vét" được 1 container hàng đủ tiêu chuẩn XK là đỏ con mắt", ông Quý nói.
Cũng theo ông Quý khâu bảo quản sau thu hoạch, bao gói, trữ hàng XK cũng là một trong những khâu yếu kém dễ thấy nhất ở hầu hết các DN kinh doanh, xuất khẩu trái cây. Do phải thu gom từ nhiều nguồn nên chất lượng trái cây không đồng đều, thời gian bảo quản cũng không thống nhất vì thế mỗi container hàng đến cảng của châu Âu sẽ bị hỏng mất khoảng 5%. "Giá trái cây XK các DN mua vào thường khá cao, bưởi da xanh loại 1,4 kg/trái là 33.000 đồng/kg, dừa xiêm nạo cứng 7.000 đồng/trái. Nếu 100 trái mà hư mất 5 trái là coi như lỗ vốn", ông Quý tiết lộ.
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, một nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình XK trái cây của Việt Nam mà lâu nay ít được đề cập đến là cước phí vận chuyển khá cao. Hiện, cước phí hàng không từ TP.Hồ Chí Minh đi Hoa Kỳ đối với mặt hàng trái cây bình quân khoảng 3 USD/kg. Trong khi ở Thái Lan, do Chính phủ có chương trình hỗ trợ cước phí cho DN xuất khẩu nên cước vận chuyển đường hàng không của họ đi Hoa Kỳ chỉ khoảng 0,5 USD/kg. Ông Kỳ cho biết, ở Việt Nam chỉ có một số ít DN lớn và các siêu thị có phương thức tồn trữ trái cây ở nhiệt độ lạnh. Còn lại, đa số các hợp tác xã (HTX), vựa thu mua mới chỉ làm thương mại "một trạm". Hầu hết các DN hoặc HTX không có đủ vốn để đầu tư hệ thống bảo quản sau thu hoạch. Khi có đầu mối xuất khẩu, họ thường phải qua một công ty trung gian làm công việc vận chuyển, thủ tục hải quan, thủ tục xuất khẩu. "Do chưa đủ sức đầu tư vùng nguyên liệu nên khi có đơn hàng hàng lớn, DN thường bị động trong việc thu gom trái cây", ông Kỳ nói.
Nhà nước cần làm đầu mối
Tại Hội nghị sản xuất tiêu thụ cây ăn trái Nam Bộ vừa tổ chức tại Tiền Giang, TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết, thực tế trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân trồng trái cây là chưa tương xứng. Nhà nước đứng ra làm đầu mối chỉ huy, chỉ đạo, ưu tiên cho các vùng vay vốn sản xuất, chế biến… Ngoài tăng cường hỗ trợ hạ tầng cho các vùng sản xuất như đường giao thông, nhà kho, thông tin thị trường, tiếp thị đầu ra sản phẩm, cũng cần ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia, chúng ta nên học tập mô hình của Trung Quốc và Thái Lan. Tại Thái Lan, để thuận tiện cho XK và tiếp thị trái cây hiệu quả, Chính phủ nước này đã phát triển chính sách dịch vụ "một cửa". Họ mua trái cây tươi từ trang trại và bán cho các chợ đầu mối, siêu thị trong thành phố hoặc các chợ, cửa hàng bán lẻ ở vùng lân cận. Cách làm này mang lại lợi nhuận tối đa cho người làm vườn, khuyến khích họ tham gia vào các khu vực sản xuất lớn để không phải bán qua nhiều khâu trung gian. "Hiện nay, nhiều hộ làm vườn không mặn mà với HTX. Điều đó cho thấy cách làm của chúng ta là chưa hiệu quả", bà Huyền nói.
TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, thực tế trái cây Việt được giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao, nhiều loại rất ngon và độc quyền trên thế giới. Nhưng để XK trái cây tươi thì có quá nhiều hạn chế vì chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đủ số lượng lớn, kích cỡ chưa đồng đều. Với những trái tươi không đúng kích cỡ, không thể XK được thì cần phải có nhà máy chế biến sang dạng khác, nhưng chúng ta lại thiếu các nhà máy như vậy. Các DN được mời xây dựng nhà máy chế biến cũng than thiếu vốn, thiếu nguyên liệu… Chính vì vậy, để vực dậy thị trường trái cây Việt Nam theo hướng XK thì Nhà nước, địa phương, DN cũng như nông dân cần phải có sự gắn kết hơn nữa, từ sản xuất giống đến chế biến trái cây thành phẩm số lượng lớn theo một dây chuyền mang tính chuyên nghiệp.
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 471 triệu USD, dự kiến năm 2011 đạt khoảng 510 triệu USD. Hiện trái cây là một trong những mặt hàng nông sản đang xuất siêu trên 50 triệu USD mỗi năm.
Do diện tích tăng, sản lượng trái từ 4,5 triệu tấn (năm 2002) đã tăng lên 8 triệu tấn (năm 2010). Chủng loại trái cây rất đa dạng, hiện có hơn 40 loại trái cây nhiệt đới và ôn đới. Trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực (41%), Nga (13%), Nhật Bản (12%), Hoa Kỳ (8%)...
Theo Kinh tế nông thôn