Theo ông Bổng, trong tuần tới Thông tư 13 sẽ được chỉnh sửa phù hợp với yêu cầu thực tế, trong bối cảnh hiện nay giá xuất khẩu điều thô đang cao và hút hàng, việc nhập nguyên liệu điều thô có lợi thì không nên lập rào cản mà phải tranh thủ cơ hội kinh doanh.
Cũng bàn về Thông tư 13, ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Vinacas cho rằng, khi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) tiến hành soạn thảo thông tư, Nafiqad chỉ lấy ý kiến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mà không hề tham khảo ý kiến của Vinacas và các doanh nghiệp ngành điều, từ đó đưa ra nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế sản xuất xuất khẩu của ngành điều. Vì vậy ngay khi thông tư có hiệu lực đã gây cho việc nhập khẩu điều nguyên liệu của doanh nghiệp trong nước không ít khó khăn, một lượng lớn điều bị ách tắc tại cảng. Ông Thanh nhấn mạnh, dự kiến kim ngạch xuất khẩu điều năm 2011 đạt 1,4 tỉ USD là không khó nhưng phải có điều kiện về chính sách và vốn để các doanh nghiệp hoạt động.
Theo Vinacas, 6 tháng đầu năm là giai đoạn khó khăn đối với ngành chế biến và xuất khẩu điều, ngoài nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt (do thời tiết, khí hậu) thì chi phí chế biến tăng đột biến, trong đó riêng chi phí nguyên liệu đã tăng 100% so với năm 2010 trong khi giá điều nhân xuất khẩu chỉ tăng 40%. Dự báo những tháng cuối năm nhu cầu tiêu thụ điều nhân sẽ tăng, vì vậy giá xuất khẩu điều tiếp tục tăng. Không chỉ có mặt hàng điều nhân, các sản phẩm từ điều như dầu điều, điều vỏ lụa, vỏ cứng đều không đủ hàng để xuất khẩu. Sản lượng điều của Việt Nam là 330.000 tấn, năm nay lượng điều thô nhập khẩu chỉ còn 300.000 tấn, giảm 150.000 tấn so với kế hoạch đề ra từ đầu năm 2011. Nếu trong những năm tới, Việt Nam có hơn 200.000 ha điều năng suất cao như mô hình câu lạc bộ trồng điều năng suất cao ở Đồng Nai (3 tấn/ha) thì ngành sản xuất điều sẽ chủ động được nguyên liệu.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng, định hướng thời gian tới của ngành điều là xây dựng những vùng điều tập trung thâm canh, phải có 200.000 ha điều thâm canh tại 2 địa phương trồng điều lớn là Bình Phước và Đồng Nai với năng suất phấn đấu là 1,5 đến 2 tấn/ha, khi đó mới có thể hấp dẫn được nông dân trồng điều. Ngoài ra, Vinacas cần tập hợp tác doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều lớn, có trình độ chế biến tự động hóa cao để trình Bộ công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Chứng chỉ này sẽ giúp các doanh nghiệp ngành điều nâng cao thương hiệu, khả năng cạnh tranh và tranh thủ được những chính sách ưu đãi khác./.
Theo TTXVN