Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trà Vinh: Thiệt hại vụ tôm sú năm 2011 - Có thêm bài học
10 | 08 | 2011
Trong vụ nuôi tôm sú năm 2011, hầu hết các tỉnh khu vực ĐBSCL đều bị thiệt hại, có nhiều nơi mất trắng, nhưng đối với tỉnh Trà Vinh sự thiệt hại có phần “may mắn” hơn và sự “may mắn” này cũng nhờ sự chủ động từ ngay đầu vụ.

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Trà Vinh có gần 25.000 hộ thuộc các huyện ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú… thả nuôi hơn 1,74 tỉ con tôm sú giống trên diện tích trên 23.000 ha. Theo số liệu thống kê của ngành chuyên môn của tỉnh, đến thời điểm này có khoảng 23% số con giống thả nuôi bị thiệt hại, phần lớn tôm nuôi bị chết ở giai đoạn 20 ngày tuổi hoặc 1,5 – 2,5 tháng tuổi.

Tại huyện Duyên Hải, địa phương có số tôm thả nhiều nhất tỉnh, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, đến ngày 19/7/2011, trên địa bàn huyện đã có 12.696 lượt hộ thả nuôi 787,76 triệu con tôm sú giống, trên diện tích 14.443 ha mặt nước. Qua số liệu khảo sát ban đầu, toàn huyện đã có 3.662 hộ thả nuôi tôm sú bị thiệt hại hơn 142 triệu con tôm sú giống, trên diện tích 3.948 ha mặt nước, chiếm gần 29% tổng số hộ nuôi toàn huyện. Hiện tại, tình trạng tôm nuôi bị chết dần đang tiếp tục xảy ra, chủ yếu là tôm đang ở giai đoạn trên dưới 3 tháng tuổi, gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi.

Vụ nuôi tôm sú năm nay ở Trà Vinh gặp nhiều bất lợi như thời tiết, diễn biến môi trường không tuân theo quy luật tự nhiên như nhiều năm qua, đã tác động rất lớn gây bất lợi cho sức khỏe tôm nuôi. Tình trạng tôm nuôi bị chết kéo dài so với nhiều năm, dù người dân đã thả tôm nuôi chậm hơn và tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Mặt khác, độ tuổi tôm nuôi bị chết cũng có nhiều biến động so với nhiều năm qua là, tôm thả nuôi có hiện tượng bị bệnh và chết sớm ở giai đoạn từ 20 ngày tuổi và độ tuổi tôm nuôi bị chết cũng kéo dài đến hơn 60 ngày tuổi.

Theo thạc sĩ Lê Vũ Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải: Qua khảo sát thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tôm sú nuôi trong vụ mùa 2011 bị chết trên diện rộng và kéo dài, là do diễn biến môi trường có nhiều bất lợi cho tôm nuôi như biên độ nhiệt dao động giữa ngày và đêm là rất lớn, con giống không đảm bảo về chất lượng, mưa về đêm… làm cho môi trường nuôi bị nhiều biến động, đã góp phần làm gia tăng mức độ thiệt hại tôm nuôi trên địa bàn ở tất cả các loại hình nuôi, từ thâm canh, bán thâm canh, quảng canh và quảng canh cải tiến. Vào đầu vụ nuôi, tôm nuôi bị chết chủ yếu ở loại hình nuôi quảng canh cải tiến; với các biểu hiện của bệnh đỏ thân, đốm trắng. Trong những ngày gần đây, ban ngày thì nhiệt độ cao, có mưa vào ban đêm làm cho môi trường nước trong ao nuôi không ổn định, là điều kiện thuận lợi làm cho bệnh tôm phát triển mạnh, dẫn đến tôm nuôi bị chết trên diện rộng.

Ông Lâm Thanh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, đối với Trà Vinh việc thiệt hại tôm sú năm nay đã có dự báo trước nên đã chủ động vào đầu vụ, người dân tuân thủ lịch thời vụ, các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, kiểm tra thường xuyên lịch thời vụ, con giống… Đối với bệnh gan tụy ở tôm sú sẽ không dừng lại, có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Trong vụ nuôi tôm năm 2011, trước diễn biến thời tiết không thuận lợi, môi trường nước không ổn định, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hội thảo về công tác quản lý môi trường nuôi và chăm sóc sức khỏe tôm nuôi; đồng thời, phối hợp với Viện Nuôi trồng Thủy sản II, lấy mẫu phân tích, tìm nguyên nhân gây ra bệnh làm cho tôm nuôi bị chết trên diện rộng và kéo dài, để có biện pháp phòng, trị hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm. Tỉnh cũng tăng cường cán bộ khoa học kỹ thuật để cùng với lực lượng cán bộ kỹ thuật của các địa phương tăng cường xuống tận địa bàn các vùng nuôi tôm sú tập trung, để kịp thời hướng dẫn người dân cách quản lý môi trường nuôi, cũng như chăm sóc sức khỏe cho tôm…

Thạc sĩ Lê Vũ Phương cho biết thêm: Với nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm sú nuôi bị chết trên diện rộng và kéo dài như hiện nay được xác định là do biến động của môi trường. Do đó, để hạn chế thiệt hại trên đàn tôm nuôi, biện pháp chủ yếu hiện nay là phải tập trung quản lý tốt chất lượng môi trường nuôi, tăng cường bổ sung các vi sinh vật có lợi vào ao nuôi, thông qua việc sử dụng các chế phẩm sinh học. Trong điều kiện môi trường nuôi có nhiều bất ổn như hiện nay, thì người nuôi tôm không nên đưa hóa chất vào trong quá trình xử lý ao nuôi. Vì đưa hóa chất vào ao sẽ làm gia tăng thêm sự bất ổn về môi trường trong ao nuôi, không có lợi cho sức khỏe tôm nuôi. Yêu cầu đặt ra hiện nay là làm sao tạo ra được môi trường có lợi cho tôm nuôi.

Vụ tôm sú năm nay ở Trà Vinh bị thiệt hại ít hơn so với các tỉnh trong khu vực, đó là sự chủ động ngay đầu vụ, người dân tuân thủ lịch thời vụ, chủ động trong con giống, trong cải tạo ao hồ… Đây là một kinh nghiệm, bài học để người nuôi chuẩn bị cho các vụ tiếp theo.

Theo báo Trà Vinh



Báo cáo phân tích thị trường