Thế nhưng, nền kinh tế hiện đang ghi nhận hiện tượng các doanh nghiệp trong nước chịu thiệt thòi hơn các doanh nghiệp nước ngoài.
Tháng trước, khi nhận thông báo về việc điều chỉnh giá thuê đất, Tổng giám đốc Công ty TNHH thiết bị Hồng An (Hải Phòng) cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi tiền thuê đất tăng tới… 18 lần so với năm trước.
Tiền thuê đất tăng cao đã và đang trở thành vấn đề của hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, đang gặp khó khăn với chính sách mới này, thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại đang “bình chân như vại” do tiền thuê đất được ấn định ngay từ thời điểm cấp phép cho suốt đời dự án.
Vị Tổng giám đốc này dẫn trường hợp của Công ty Liên doanh Dây cáp điện LS, một doanh nghiệp có trụ sở gần với công ty Hồng An để so sánh. Trong khi công ty LS chỉ phải đóng 1,6 USD/m2/năm trong vòng 50 năm, thì mức tiền thuê đất của công ty Hồng An theo đơn giá của năm 2011 nhiều hơn tới 215%!
Không chỉ vậy, giá thuê đất mà các công ty như Hồng An phải đóng có thể tăng lên hàng năm, nên khoảng cách về giá thuê đất giữa công ty này với công ty LS cũng có thể ngày càng lớn hơn.
“Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chính sách tăng tiền thuê đất của Chính phủ, nhưng việc tăng phải có lộ trình và bình đẳng giữa các doanh nghiệp”, vị Tổng giám đốc này chia sẻ.
Trước khi vấn đề tiền thuê đất tăng được cộng đồng doanh nghiệp lên tiếng phản đối, VnEconomy cũng ghi nhận nhiều tình huống bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước nếu so sánh với doanh nghiệp nước ngoài.
Chẳng hạn, các quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp nước ngoài được nộp tiền thuê đất một lần cho suốt đời dự án hoặc nộp từng năm; trường hợp nộp một lần thì sẽ được hưởng một số ưu đãi.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước thì chỉ được áp dụng hình thức nộp tiền hàng năm và do đó sẽ không được ưu đãi, thậm chí còn thiệt thòi do việc điều chỉnh giá thuê đất hàng năm.
Theo một đại diện của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, chủ đầu tư của khu công nghiệp Quế Võ tại Bắc Ninh, thì đây là một vấn đề mà các doanh nghiệp thuê đất rất quan tâm, nhưng sau nhiều lần tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng, hiện vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng cho các doanh nghiệp.
Điều thú vị là những “thiệt thòi” của các doanh nghiệp tư nhân đã và đang được ghi nhận trong các báo cáo nghiên cứu chính thức về lĩnh vực này.
Một nghiên cứu mới đây do Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tiến hành tại Việt Nam cho rằng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, cần được coi là trụ cột của nền kinh tế và cần có sự sự cân bằng về quan điểm trong việc khuyến khích đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo UNDP, thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua cho thấy các chính sách chú trọng phát triển chiều rộng, thu hút FDI bằng mọi giá đã khiến Việt Nam thu được rất ít lợi ích từ nguồn lực này. Các chuyên gia của UNDP cho rằng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dường như đã được ưu đãi nhiều hơn và chiếm vị trí ưu tiên cao hơn trong nhiều chính sách đầu tư.
Trong khi đó, các doanh nghiêp trong nước, nếu được phát triển mạnh mẽ và đúng hướng, sẽ góp phần đáng kể nhất cho việc tạo dựng năng lực cạnh tranh của một quốc gia, đóng góp môt cách tốt nhất cho quá trình điều chỉnh cấu trúc của nền kinh tế theo hướng bền vững và có lợi nhất cho quốc gia.
Một khảo sát của dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam” (VNCI) cho thấy có tới 50% số doanh nghiệp Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài hiện nhận được sự ưu đãi cao hơn so với các doanh nghiệp trong nước.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân hẳn sẽ thấy “tủi thân” khi một số doanh nghiệp nước ngoài hiện đang đề xuất Chính phủ Việt Nam miễn hoặc giảm phần lớn tiền thuê đất, thậm chí có những đề xuất dạng “1 USD cho suốt đời dự án” như trường hợp dự án động cơ của Hyundai mới đây.
Theo VnEconomy