Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây tre măng trên đất Kiên Thành
05 | 09 | 2007
Chủ tịch UBND xã Kiên Thành Hoàng Văn Luỹ say sưa kể lại những ngày đầu dự án trồng tre Bát độ lấy măng được triển khai tại xã. Những khó khăn của buổi đầu ấy khó mà nói hết, song điều quan trọng là giờ đây cây tre Bát độ đã trở nên quen thuộc với người dân trong xã, toàn xã có trên 717 hộ gia đình thì đã có trên 500 hộ trồng tre măng Bát độ. Kiên Thành cũng là địa phương được quy hoạch thành vùng trồng tre Bát độ lấy măng lớn nhất của huyện Trấn Yên (Yên Bái).

Với diện tích đất tự nhiên trên 8.600ha, xưa nay vùng đất Kiên Thành vẫn có tiếng với những cây quế hàng trăm năm tuổi trong đồng bào người Dao, người Tày. Năm 2003 Kiên Thành nhận được chủ trương đưa tre Bát độ vào trồng lấy măng - cây trồng có khả năng thích nghi với đất đồi dốc, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nhanh cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau chuyến đi tham quan thực tế tại Trung Quốc, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Luỹ thực sự bị lôi cuốn bởi cây tre Bát độ trồng lấy măng trên đất láng giềng và một số tỉnh bạn. Nhưng khi Dự án được triển khai lại không được mấy người dân ủng hộ. Cùng với những băn khoăn là khó khăn về đồng vốn, ngân hàng không giải ngân với lo ngại rủi ro cao về loại cây trồng hết sức mới lạ này. Và rồi với sự can thiệp của tỉnh, huyện, ngân hàng đã giải ngân. Cán bộ đảng viên là những người đi đầu trong việc phát đồi rừng, cuốc hố trồng tre.

Chưa hết những khó khăn, cây tre Bát độ được đưa về trồng đúng vào thời điểm nắng nóng tháng 6/2003, người dân thậm chí phải dùng xe máy chở nước lên đồi để tưới cho cây. Lần nghiệm thu thứ nhất tỷ lệ sống chỉ đạt 47%, lần nghiệm thu thứ hai là 50%. Đồng vốn đã bỏ xuống đất không thể không xót xa, bởi khi ấy giá mỗi cây giống là 12.000 đồng, bằng cả một cân thịt lợn vậy mà cứ trồng 2 cây mới sống được một cây. Khó khăn vẫn hiện hữu.

Những cây tre đầu tiên bén rễ, trên 60ha, chỉ sau 12 tháng đã ra măng, có những khóm ngay chật đầu đã cho thu hoạch tới 20 cây măng, người dân từ chỗ băn khoăn nghi ngại đã hết sức ngạc nhiên vì chẳng phải đợi lâu đã nhìn thấy thành quả và hơn thế năng suất lại rất cao. Những năm tiếp theongười dân đăng ký trồng tre ngày càng mở rộng, đến nay toàn xã có 237ha với sự quy hoạch thành các vùng rõ rệt: tại thôn Đồng Ruộng là 20 ha, Đồng Cát 44ha, Khe Tối gần 100ha, tại các thôn Đồng Song và Đá Khánh là 32ha. Năm 2006 toàn xã đã thu 600 tấn măng luộc đạt giá trị trên 1 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo với nguồn thu từ măng tre, chỉ sau 1 vụ thu hoạch có hộ đã trả hết vốn vay ngân hàng và mua sắm được nhiều phương tiện phục vụ cuộc sống.

Năm 2007 Kiên Thành phấn đấu thu từ 800 đến 1.000 tấn măng luộc. Người dân đăng ký trồng mới trong niên vụ 2007 là 236ha. Tuy nhiên với đòi hỏi cao về nguồn nhân lực xã sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể quỹ đất để tính toán diện tích trồng mới phù hợp đáp ứng điều kiện chăm sóc và thu hoạch đối với từng hộ gia đình.

Vượt qua khó khăn của những ngày đầu đưa cây tre Bát độ vào trồng thử nghiệm, xã lại vấp phải khó khăn của việc tìm đầu ra cho sản phẩm măng tre. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Luỹ lại lùng sục khắp nơi, khắp mối mong tìm được địa chỉ tiêu thụ sản phẩm cho dân. Và rồi anh đã ký được hợp đồng với Công ty TNHH Vạn Đạt - một công ty của Đài Loan chuyên thu mua sản phẩm tre măng Bát độ. Là một bạn hàng với hợp đồng làm ăn lâu dài, Công ty Vạn Đạt không chỉ thu mua sản phẩm mà còn hỗ trợ vốn không tính lãi để người dân Kiên Thành trồng và chăm sóc cây tre Bát độ được hiệu quả lâu dài. Đồng thời, Công ty cũng chú trọng phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa thưa đúng quy trình đối với người dân để cây tre mang lại hiệu quả cao nhất.

Nếu như những ngày đầu người dân hết sức lo ngại về hiệu quả của loại cây trồng mới với tên gọi tre măng Bát độ và gắn với nó những cái tên “tre bắt nợ, tre bát đổ”… thì giờ đây loại cây trồng này đã chiếm được niềm tin trong nhân dân, người dân Kiên Thành từ các hộ người Dao, người Tày đến các hộ người Mông đều hăng hái trồng tre, chăm sóc và tiếp tục chiết cành trồng mới với một niềm tin cây tre Bát độ sẽ giúp ngườ dân thoát nghèo và làm giàu trên đồng đất quê hương mình.



Nguồn tin: Báo Yên Bái
Báo cáo phân tích thị trường