Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương cho biết, Trung Quốc cạnh tranh mua nguyên liệu bạch tuộc của Việt Nam với giá cao hơn so với giá mua của Việt Nam để sản xuất bánh Kotobuki nhưng lại bán sản phẩm này với giá thấp hơn, khiến sản phẩm của công ty bị giảm tính cạnh tranh.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Thuận Phước, giá các sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn do nước này có trợ giá 10% hoàn trả cho nhà XK, đồng thời Chính phủ Trung Quốc có chiến lược rõ ràng cân đối hàng NK và XK. Hàng thủy sản của Trung Quốc sử dụng 50% nguyên liệu NK và 50% nguyên liệu tự sản xuất nên tận dụng được vận tải 2 chiều thay vì để containơ trống như Việt Nam. Tất cả phụ liệu phụ trợ cũng như máy móc, vật tư ở Trung Quốc đều rẻ hơn so với Việt Nam, trong khi Việt Nam phải NK từ nước ngoài như nhập bột từ Thái Lan để làm sản phẩm bao bột. Trung Quốc có các vùng gia công rất thuận lợi như ở Đại Liên, nhiệt độ trung bình 18oC, chi phí điện năng không cao như ở Việt Nam, giá nhân công rẻ và chi phí vận tải cũng rẻ hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không chặt chẽ bằng Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Quốc, Trưởng Phòng Kinh doanh XNK Công ty Cổ phần Đại Thuận, chi nhánh Lương Sơn, nhận định rằng việc thương gia Trung Quốc tranh mua nguyên liệu thủy sản của Việt Nam nhằm đẩy giá nguyên liệu của Việt Nam lên cao, khiến cho giá XK tăng, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản do các DN Việt Nam sản xuất, dẫn đến nguy cơ mất khách hàng. Sản phẩm độc quyền của công ty là cá đuối, nhưng hiện đang phải cạnh tranh gay gắt về nguyên liệu với thương lái Trung Quốc. Sự cạnh tranh không lành mạnh tại sân chơi này gây ảnh hưởng không nhỏ cho hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam. Trong khi các DN Việt Nam mua nguyên liệu đầu vào phải nộp thuế giá trị gia tăng, làm nhiều thủ tục giấy tờ, chứng từ phức tạp để nhận lại được tiền hoàn thuế, thì thương lái Trung Quốc núp dưới danh nghĩa khách du lịch mua nguyên liệu không cần đến hóa đơn chứng từ, không phải chịu bất cứ một loại thuế nào!.
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty XK thủy sản Khánh Hòa (KHASPEXCO) cho biết, tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom nguyên liệu thủy sản của Việt Nam diễn ra quá phổ biến từ các tỉnh miền Tây ra các tỉnh miền Bắc. Các thương lái Trung Quốc có hệ thống vận chuyển từ các địa phương ra tận vùng biên giới nên họ mua vơ vét từ ít đến nhiều, tại tỉnh nào họ cũng có trạm thu mua núp dưới hình thức đại lý nậu vựa của người Việt. Khách hàng của công ty cho biết, thương lái Trung Quốc còn chi phối cả thị trường thủy sản nguyên liệu của các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, khiến cho giá thủy sản thế giới tăng. Đối với cá bò da, cá đổng cờ, vốn là các mặt hàng chủ lực của công ty, năm nay thương lái Trung Quốc mua vét “sạch sành sanh”, DN không thể nào cạnh tranh mua được. Mặt hàng cá hố cũng bị Trung Quốc mua gần hết các cỡ.
Ông Nguyễn Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Hải Vương cho biết, DN này cũng bị thương lái Trung Quốc cạnh tranh gay gắt đối với mặt hàng cá thày bói. Mọi năm, công ty có thể thu mua được 6 - 7 nghìn tấn/vụ, nhưng năm nay chỉ mua được vài trăm tấn. Năm 2000, Hải Vương là DN duy nhất có cá thày bói bán cho thị trường Nga và Nga cũng đã cấp code cho công ty. Tuy nhiên, đối với các nhà XK Trung Quốc khi xuất hàng sang Nga không cần đến code nên dần dần Trung Quốc đã giành mất thị trường Nga và cả nguồn nguyên liệu cá thày bói. Khách hàng Nga lúc nào cũng phàn nàn giá của Việt Nam quá cao. Tình trạng thương lái Trung Quốc tranh mua nguyên liệu gây sức ép căng thẳng cho các DN chế biến XK thủy sản Việt Nam, vốn từ lâu nay đã và đang gặp không ít khó khăn trong vấn đề đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất. Hầu hết các DN đều đang trông chờ giải pháp cụ thể và hiệu quả từ phía cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết tình trạng này.
Theo Vasep