Theo Kim Hak-Su, một chuyên gia phân tích của UNESCAP, trong kịch bản tốt dẹp nhất mà cơ quan này vạch ra, chi tiêu công cộng của Thái Lan sẽ tăng dưới thời của chính phủ lâm thời và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này.
Chuyên gia này nhận định:“Những nền tảng vĩ mô của nền kinh tế Thái Lan vẫn còn vững chắc. Chúng tôi hy vọng kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng ở mức 4,5% trong năm nay với khu vực xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát giảm xuống. Hệ thống tỷ giá hối đoái tương đối linh hoạt và dự trữ ngoại tệ ở mức cao đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại những kết quả tốt đẹp này”.
Theo UNESCAP, từ giờ trở đi sẽ không có ảnh hưởng nghiêm trọng nào của vụ đảo chính hôm 19/9 lật đổ chính phủ của ông Thaksin đối với nền kinh tế Thái Lan.
Các nhà phân tích của cơ quan này cũng cho biết, thị trường chứng khoán của Thái Lan và đồng bath của nước này vẫn ổn định. Mặt khác, ảnh hưởng của vụ đảo chính đối với các thị trường khu vực khác cũng chỉ ở mức độ hạn chế.
Tuy nhiên, mặc dù dự báo kinh tế vĩ mô của UNESCAP đối với Thái Lan vẫn khả quan, viễn cảnh của nền kinh tế nước này trong ngắn hạn vẫn còn khá bấp bênh.
Giả sử tình trạng bất ổn định chính trị xảy ra, UNESCAP dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể tụt xuống còn 3,1% trong năm tới với mức lạm phát tăng cao tới 10%. Mặt khác, đồng bath sẽ mất giá khoảng 20% so với đôla Mỹ.
Ông Kim Hak-Su cho biết thêm, các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ nền kinh tế Thái Lan trong vài tháng tới. Theo ông, điều mà chính phủ lâm thời của nước này cần làm là duy trì ổn định kinh tế và niềm tin của giới đầu tư.
“Trong ngắn hạn, chính quyền mới cần vạch ra các chính sách liên quan đến môi trường đầu tư, đặc biệt là các chính sách kinh tế vĩ mô và các biện pháp quản lý kinh tế”, ông nói.
Cũng theo ông Kim Hak-Su, chính phủ lâm thời Thái Lan cần phải công bố một cách đúng lúc các chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng.