Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đốn dừa nuôi tôm thẻ chân trắng vì siêu lợi nhuận
20 | 09 | 2011
Người dân Bến Tre đang ồ ạt phá dừa chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng. Chính quyền cũng “bó tay” trước việc nông dân ồ ạt đốn dừa, khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm...

Đi dọc theo tuyến Tỉnh lộ 883 đến địa bàn các xã Vang Quới Đông, Phú Vang, Lộc Thuận, Phú Long, Bình Thới… của huyện Bình Đại, rất dễ thấy cảnh nông dân không ngần ngại đốn dừa đang cho trái để nuôi TTCT. Điều đáng nói là, rất nhiều diện tích ở trong vùng ngọt hóa chuyên trồng dừa, lúa, màu… lâu nay cũng được chuyển sang nuôi TTCT.

Thấy lợi là làm

Theo nhiều nông dân, do nuôi TTCT “siêu lợi nhuận” nên họ mới mạnh dạn thả nuôi dù chấp nhận rủi ro cao ở ngay trong vùng ngọt hóa. Tại ấp Phú Thành, xã Phú Vang những ngày này có hàng loạt máy cạp đất bứng dừa, đào ao. Ngay sát tỉnh lộ, 1 ao đang được vét từ vườn dừa, ngay trên bờ mấy cây dừa chuẩn bị cho trái đã bị bật gốc.

Anh T đang điều khiển chiếc máy cạp đất cho biết: “Tui chỉ làm mướn cho chủ đất nên không biết chuyện gì hết. Ở vùng này rất nhiều người cũng đốn dừa để nuôi TTCT”. Dọc theo đường tỉnh lộ thuộc xã Lộc Thuận, Phú Long cũng có hàng loạt vườn dừa đang được chuyển thành ao tôm. Những gốc dừa được đốn hạ, gom lại thành đống ở góc bờ ao.

Ở xã Bình Thới cũng có nhiều người đốn dừa nuôi TTCT. Ông Nguyễn Văn Sơn (ấp 2), xã Bình Thới vừa đốn 5.000m2 vườn dừa đang cho trái. Ông lý giải: “Vườn dừa cho lợi nhuận chỉ 500.000 đồng/tháng, trong khi đó nếu nuôi TTCT chỉ cần 2,5 tháng là có thể kiếm hàng trăm triệu đồng nên tui mới mạnh dạn đốn hạ vườn dừa đang cho trái”.

Theo tính toán của nhiều nông dân, trước đây nuôi tôm sú phải mất từ 4 - 5 tháng mới thu hoạch thì nay nuôi TTCT đã rút ngắn thời gian nuôi chỉ còn phân nửa. Đồng thời, chi phí để đầu tư nuôi TTCT chỉ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg trong khi nuôi tôm sú chi phí lên đến 80.000 đồng/kg. Vì vậy, nông dân không ngần ngại đốn dừa nuôi TTCT bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Chính quyền cũng “bó tay”

Diện tích nuôi TTCT ở huyện Bình Đại đang phát triển rất nhanh và tăng đột biến. Theo quy hoạch, đến năm 2015 diện tích nuôi TTCT ở Bình Đại là 800ha nhưng vụ nuôi năm 2011 thả nuôi đã lên đến 1.000ha và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo quy hoạch, đến năm 2015 diện tích nuôi TTCT ở Bình Đại là 800ha nhưng vụ nuôi năm 2011 thả nuôi đã lên đến 1.000ha và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bà Ngô Thị Thanh Diệu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thới cho biết: “Tổng diện tích nuôi tôm toàn xã trong năm 2011 tới thời điểm này khoảng 560ha, trong số này diện tích nuôi TTCT quay vòng đã đạt mức 410ha. Địa phương không có quy hoạch vùng nuôi riêng cũng không cấm việc mở rộng diện tích thả nuôi TTCT”.

Theo bà Diệu, nhiều biện pháp khuyến cáo người dân tuân thủ quy trình nuôi của các cơ quan chuyên môn như diện tích nuôi cần có ao lắng nước, ao chứa bùn khi cải tạo ao nuôi, không xả bùn đáy ao trực tiếp ra môi trường sông rạch… chưa đem lại hiệu quả. Cũng theo bà Diệu, gần 500ha mặt nước nuôi tôm hiện tại có phân nửa là diện tích trồng dừa, lúa trước đây.

Ông Võ Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho hay, trong vùng ngọt hóa đã có khoảng 500ha đất đang nuôi tôm. Người dân đang đào giếng để lấy nước mặn hiện nay sẽ gây ảnh hưởng xấu đến vùng ngọt hóa. Sắp tới, UBND huyện phối hợp với Sở NNPTNT tiến hành xác định chủng loại cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng của đất. Đồng thời, tránh việc phá vỡ quy hoạch.

Theo Hoàng Mai

Dân Việt


Báo cáo phân tích thị trường