Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tafishco: Thành viên tham gia chuỗi liên kết cá tra vẫn khó vay vốn
20 | 09 | 2011
Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco) cho biết, 8 tháng đầu năm nay công ty đã XK 6.500 tấn cá tra philê, trị giá khoảng 16 triệu USD.

Ngoài ra, còn đạt khoảng 8 triệu USD doanh thu từ bột cá, dầu cá. Sản phẩm cá tra của Tafishco đã có mặt tại 30 thị trường khác nhau trên thế giới, trong đó EU là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch XK của DN.

Hiện nay, Tafishco, Anvifish, Agifish là 3 công ty được tỉnh An Giang lựa chọn để triển khai thực hiện thí điểm mô hình chuỗi liên kết cá tra. Nhờ triển khai chuỗi liên kết này nên đến nay, Tafishco giảm được nỗi lo về nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.

Theo bà Trinh, chuỗi liên kết cá tra của Tafishco bước đầu hoạt động có hiệu quả vì ngay từ khi thành lập, công ty đã xác định đây là chuỗi mắt xích quan trọng gắn kết người nuôi, nhà máy chế biến, nhà máy thức ăn... nhằm cân đối nguyên liệu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro giữa các thành viên, có cơ sở truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Do đó, từ khi tham gia, nhà máy đã có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định hơn, người dân bán được cá với giá cao và được mua thuốc, thức ăn thủy sản... với giá gốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc vay vốn ngân hàng để đảm bảo hiệu quả chuỗi liên kết vẫn là vấn đề nan giải đối với tất cả các thành viên tham gia chuỗi.

Để thực hiện mô hình thí điểm này, công ty đã chủ động liên kết với các hộ nuôi cá tra có uy tín và một số nhà cung cấp thức ăn nuôi cá, thuốc phòng trị bệnh cho cá. Công ty sẽ đứng ra bảo lãnh vay ngân hàng để mua thuốc, thức ăn nuôi cá có chất lượng cho người nuôi. Đến vụ thu hoạch, khi nông dân trả tiền mua thuốc và thức ăn chăn nuôi, DN sẽ chia sẻ cho người nuôi phần chiết khấu của nhà cung cấp, thông qua việc mua cá nguyên liệu với giá cao hơn.

Tuy nhiên, để quay vòng vốn sản xuất, cả người nuôi và DN đều cần đến một số tiền không nhỏ, có thể phải đầu tư 5 - 6 tỷ đồng/ha nuôi nhưng ngân hàng cũng chỉ cho vay tối đa 500 - 600 triệu đồng, điều đó gây khó khăn cho sản xuất.

Để chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả, bà Trinh đề xuất cần có sự tham gia của ngân hàng. Ý kiến này đang được Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam xem xét, ủng hộ.

Nếu được ngân hàng ưu tiên cho các đối tượng tham gia mô hình chuỗi liên kết cá tra vay vốn, DN sẽ bảo lãnh nguồn vốn vay để đầu tư cho các hộ nuôi cá mua con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh... và sẽ thu mua toàn bộ cá nguyên liệu khi các hộ này thu hoạch, đồng thời trích thanh toán cho ngân hàng. Như vậy, cả DN và người nuôi đều có vốn để phát triển sản xuất, đồng thời ngân hàng cũng kinh doanh vốn hiệu quả và rút ngắn được thời gian thu hồi vốn.

Theo Vasep



Báo cáo phân tích thị trường