Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyện khó khăn quanh con cá tra đồng bằng
17 | 06 | 2008
Với khoảng 100.000-170.000 tấn cá đang muà thu hoạch hiện nay ở ĐBSCL, phải cần đến 2000-3.000 tỷ đồng để thu mua. Nhưng không phải chỉ có tiền là đủ... Trong những ngày qua, giá cá tra gần như chốt ở giá sàn 13.800-14.000 đồng/kg. Tuy nói rằng ngân hàng giải ngân, DN thu mua hết cá nguyên liệu tồn đọng nhưng những người nuôi thì đang sốt ruột vì có cá không phải bán dễ.
Làm kinh tế kiểu "phong trào"

Anh Trương Thanh Huy, một người nuôi 3ha cá tra ở An Giang hiện có 100 tấn cá tra đến kỳ thu hoạch cho biết: Tôi xuất bán cá ngày 12/6, giá bán tại ao hầm chỉ có 13.800 đồng/kg, loại cá tốt. Với giá này tôi vẫn không bị lỗ, vì tôi nuôi cá bằng thức ăn “tự chế biến” tại cơ sở. Với kinh nghiệm nuôi nhiều năm, anh cho biết, với giá xuất bán như vậy, nếu nuôi bằng thức ăn viên nổi chắc chắn lỗ.

Theo anh Huy, vốn nuôi mỗi năm 2.000 tấn cá từ trang trại của anh cần vốn luân chuyển hơn 15 tỉ đồng, trong đó phân nửa là vốn vay, nếu ngân hàng siết hầu bao lại thì người nuôi cá tra gặp khó. Ngân hàng hiện nay không dễ vì cho vay phát triển mới, ngay cả khách hàng cũ mà còn chọn lựa mới cho vay. Đây là khó khăn chung của người nuôi cá tra trong thời bão giá

Theo ông Phan Văn Danh, chủ tịch Hiệp Hội người nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang (AFA), dân mình có tâm lý làm kinh tế theo kiểu “phong trào” hễ thấy ai làm gì có ăn thì ào ạt đầu tư vốn nhảy vào, bất chấp cảnh báo từ báo chí và các ngành chức năng. Bao giờ đến những hậu quả thì sự đã rồi. Những người nuôi cá tra An Giang và các tỉnh đã nếm những vụ cá tra đắng, tuy nhiên chưa lần nào lại khó khăn cực điểm như lần này.

An Giang hiện có gần 1.400ha diện tích ao nuôi cá tra, sản lượng cá 6 tháng đầu năm là 180.000 tấn, xuất khẩu được trên 70.000 tấn, thu về 170 triệu USD (kế hoạch cả năm 320 triệu USD). Số cá tra tồn đọng quá lứa là 20.000 tấn, gần tới lứa 10.000 tấn. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản An Giang có mặt hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản An Giang đã cam kết thu mua hết 30.000 tấn cá tra quá lứa trong dân, với giá sàn 13.800 đồng.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: các hộ nuôi trong tỉnh còn tồn đọng hàng chục ngàn tấn cá tra cá nguyên liệu đang đến kỳ thu hoạch. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam tăng định mức cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh được vay vốn hỗ trợ xuất khẩu. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp đăng ký là 565 tỷ đồng, cụ thể trong đó có Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Docimexco, Công ty TNHH Thanh Hùng, Công ty TNHH Hùng, Công ty TNHH SX Thương mại Toàn Phát, Công ty Cổ phần Chế biến và XNK Thủy sản Cadovimex.

Doanh nghiệp thu mua cá tra cũng gặp khó...

Tại cuộc họp này, đại diện AFA cũng đã đề nghị Ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho người nuôi cá tra để thời gian tới đảm bảo nguồn cung. Với những chủ vay mới hạn chế nhưng với chủ nuôi cá có quan hệ tốt với ngân hàng nên duy trì vốn vay để họ tiếp tục thả cá cho vụ cuối năm.Trong khi đó, theo ông Võ Văn Đời, Giám đốc Sở NN & PTNT Cần Thơ, thành phố Cần Thơ hiện còn tồn đọng trên 50.000 tấn cá tra đến kỳ thu hoạch; trong đó có khoảng 20.000 tấn cá cần tiêu thụ ngay vì đã đạt cỡ trên 1kg/con. Vào đầu tháng 6/2008, Hiệp hội Thuỷ sản Cần Thơ đã có công văn đề nghị cho 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản được vay vốn với tổng số tiền là 500 tỉ đồng để thu mua hết số cá tra đến kỳ thu hoạch còn tồn đọng.

Còn đại diện một công ty chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang, cho biết: nông dân than khó nhưng DN chế biến cá tra cũng đâu phải dễ dàng gì trong việc xử lý cá tra quá lứa tồn đọng. Nếu không khéo và không chính sách hỗ trợ về vốn vay của Nhà nước về lãi suất, rủi ro của nông dân sẽ chuyển sang cho DN vì hiện nay lãi suất vay đã tương đương 20%/ năm. DN còn phải lo thuế, còn phải trả lương công nhân, còn phải kinh doanh có lãi vì phần lớn là công ty cổ phần. Chưa nói đến năng lực nhà máy chế biến có hạn, kho lạnh lưu trữ hàng có hạn. Giá cá tra phi lê trên trên thị trường gần đây có sụt giảm.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho rằng: Công bằng mà nói, hiện nay DN cũng hết sức khó khăn về lượng cá, năng lực chế biến và lãi suất ngân hàng. Gần 10 DN chế biến cá tra xuất khẩu thì số DN có công suất 300 tấn ngày không nhiều. Số còn lại chế biến ngày 50-100 tấn/ ngày. Vì vậy nông dân số ruột nhưng còn tuỳ thuộc vào năng lực của họ nữa. Ngay cả kho lạnh lưu trữ hàng, có bao nhiêu DN có kho lạnh công suất lớn? Ngoài khó khăn trên, có một vấn đề rất tế nhị mà không ai có thể bắt lỗi DN được là: Trong điều kiện các DN đã có ao nuôi cá tra, lãi suất cao, khó khăn kinh tế, các DN chế biến thuỷ sản tranh thủ sử dụng vốn cá nhà để giảm nhẹ vốn vay. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng phần lớn các DN có ao nuôi cá tra tự túc từ 10-50% cá nguyên liệu.

Hiện nay có nhiều doanh nghiệp và sở NN&PTNT các tỉnh đề nghị Nhà nước hỗ trợ 100%, hoặc 50% lãi suất vốn vay mua cá tra quá lứa trong đợt từ nay đến tháng 8/2008, tuy nhiên đến nay Ngân hàng và Chính phủ chưa có thông tin phản hồi.

Theo ông Nguyễn Đình Huấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang- Agifishco, nếu Chính phủ hỗ trợ lãi suất được để DN thu mua cá tra quá lứa thì rất tốt vì hiện nay rủi ro của nông dân ngày hôm nay lại có thể chuyển cho DN vào ngày mai. Nếu không hỗ trợ được lãi suất vay, thì giữ nguyên khung lãi suất trước đây, không tăng lãi suất vay lên theo lãi suất mới huy động và cho vay của ngân hàng. Còn về nguồn cung tiền theo đề xuất của của UBND tỉnh cho DN, ngân hàng cố gắng đảm bảo đủ nguồn để DN thu mua cá tra chế biến.

Khó khăn của DN và người nuôi cá tra vẫn còn nhiều ở phía trước, mặt dù Chính phủ đã mở đường đi nhưng với DN và nông dân đường đi tới còn nhiều gập ghềnh sỏi đá.

Xử phạt thật nặng việc bán phá giá cá tra

Ngày 6/6, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp &PTNT do Thứ trưởng Lương Lê Phương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang và cácdoanh nghiệp chung quanh chuyện con cá tra xuất khẩu. Tại cuộc họp này Thứ trưởng Lương Lê Phương có chỉ đạo: Nguồn vốn Ngân hàng đã chuyển xuống cho các doanhnghiệp trong tỉnh cần sử dụng hết và đúng mục đích đã giao. Cần thực hiện liên kết trong sản xuất giữa DN chế biến và người nuôi cá tra. An Giang cần phối hợp với Trung ương về đảm bảo nguồn nguyên liệu giống, môi trường…

Thứ trưởng Lương Lê Phương cũng cam kết sẽ kiến nghị lên Chính phủ, Bộ ngành liên quan có cơ chế xử phạt thật nặng tình trạng gian lận thương mại trong việc bán phá giá cá tra trên thị trường thế giới.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường