Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Tiền đã bơm, cá vẫn chưa được cứu
13 | 06 | 2008
Hơn một tuần kể từ khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo bổ sung 1.000 tỉ đồng vốn vay cho các doanh nghiệp của 8 tỉnh thành khu vực ĐBSCL để giải quyết việc thu mua cá tra, cá basa trong dân. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp chưa thể tiếp cận với vốn vay, trong khi đó, người nuôi cá vẫn “ngoắc ngoải” chờ đợi từng ngày.
Cá vẫn nằm hầm

Thành phố Cần Thơ có đến 50.000 tấn cá tra cần tiêu thụ, cá có trọng lượng trên 1 kg/con cũng vượt 40.000 tấn. Theo lãnh đạo UBND huyện Thốt Nốt, hiện tại có khoảng 200 hộ dân với khoảng 40.000 tấn cá đang gặp khó khăn về vốn cũng như tình hình tiêu thụ. Với giá từ 13.800-14.000 đ/kg thì nông dân huyện Thốt Nốt phải chịu lỗ từ 1.500-2.000 đồng/kg. Nếu tính bình quân lỗ 200 triệu đồng/hộ nuôi thì nông dân vùng này phải gánh cục nợ trên 40 tỉ đồng.

Cùng chung cảnh ngộ, tỉnh Vĩnh Long cũng có trên 10.000 tấn cá quá lứa, nhu cầu vốn hiện tại cho các hộ nuôi cũng trên 100 tỉ đồng để mua thức ăn cho cá. Tại An Giang, trong tuần qua, một số doanh nghiệp nhỏ cũng chỉ tiêu thụ được trên 850 tấn cá quá lứa. Còn một số công ty lớn như Nam Việt, Agifish cũng chưa tiếp cận được vốn vay nên cũng chưa mặn mà vào cuộc.

Hiện tại số cá còn tồn đọng tại An Giang trên 20.000 tấn cần phải tiêu thụ ngay. Riêng tỉnh Đồng Tháp cũng có 40.000 tấn cá tra cần tiêu thụ, trong đó có đến 25.000 tấn cá quá lứa. Trong khi các công ty chế biến thủy sản ở đây tiêu thụ cá chủ yếu dựa vào hợp đồng, còn số cá ngoài hợp đồng thì rất khó bán.

Hậu Giang đã có 1.400 tấn cá quá lứa chờ thu hoạch. Trong khi tiến độ thu mua của các doanh nghiệp còn rất chậm, nông dân không tiếp cận được nguồn vốn đã bỏ đói làm ảnh hưởng đến chất lượng cá.

Tại tỉnh Sóc Trăng có trên 4.000 tấn cá quá lứa đang chờ thu hoạch, trong khi doanh nghiệp chế biến thủy sản ở đây chỉ thu mua khoảng 60 tấn/ngày. Với số cá này theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Trương Thanh Bình, phải đến hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch hết. Trong khi cá lớn từng ngày rất khó bán lại phải tốn tiền thu mua thức ăn, nếu kéo dài thì nông dân khó cầm cự nổi.

1.000 tỷ vẫn “nghẽn”

Hiện nay cả doanh nghiệp và nông dân đều khó tiếp cận nguồn vốn vay 1.000 tỉ đồng theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải. Dù đã qua hơn một tuần, tình hình giải ngân chỉ khoảng 10% số vốn đề ra. Cái khó ở đây là nguồn vốn rót xuống cho vay thông qua hệ thống Ngân hàng NN&PTNT, trong khi cả nông dân và doanh nghiệp lâu nay đều giao dịch vay vốn từ Ngân hàng Đầu tư & Phát triển hoặc các ngân hàng thương mại khác.

An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL thực hiện việc giải ngân đầu tiên về nguồn vốn vay hỗ trợ này. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Trong tổng số 200 tỉ đồng/1.000 tỉ đồng, UBND tỉnh thống nhất phân bổ 80 tỉ đồng cho Công ty cổ phần Nam Việt để mua khoảng 5.000 tấn cá; Công ty cổ phần XNK Thủy sản An Giang (Agifish) 40 tỉ đồng mua 2.500 tấn cá; Công ty Cửu Long, Công ty cổ phần XNK thủy sản AFA (Afasco) và Công ty cổ phần Việt An mỗi đơn vị 15 tỉ đồng để mua 1.000 tấn cá tra nguyên liệu quá lứa...

Tuy nhiên, đến ngày 8/6, chỉ có Agifish triển khai thu mua cá trong dân. Theo ông Năng, việc triển khai này quá chậm so với mong muốn của người nuôi cá ở An Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: dù UBND thành phố đã có kế hoạch phân bổ 100 tỉ đồng nguồn vốn theo sự chỉ đạo nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào trực tiếp vay được nguồn vốn này.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các tỉnh khác như: Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp... Theo thống kê sơ bộ từ Cục Nuôi trồng Thủy sản - Bộ NN&PTNT, từ 1.000 tỉ đồng được Ngân hàng NN&PTNT phân bổ, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL chỉ giải ngân được khoảng 10%.

Một lãnh đạo tỉnh khẳng định số tiền 1.000 tỷ đồng là quá ít so với nhu cầu của các DN thủy sản tại ĐBSCL. Nếu tiếp cận được với nguồn vốn vay này, nhiều DN cũng ngần ngại với khoản lãi 18%/năm. Trong khi đó, thu mua cá quá lứa của nông dân, DN phải để tồn kho từ 3-4 tháng mới tiêu thụ được, điều này làm phát sinh một chi phí rất lớn, cộng với tiền lãi vay khiến DN sẽ không đủ sức xoay trở.

Tại buổi họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cho rằng: Thay vì chỉ chọn 1-2 doanh nghiệp đề nghị cho vay, các địa phương nên chọn nhiều doanh nghiệp giới thiệu cho các ngân hàng để được vay vốn thu mua cá. Theo đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản cần phải đưa ra giá sàn thu mua và xuất khẩu hợp lý để tránh tình trạng bán phá giá gây bất lợi cho các doanh nghiệp và nông dân.

Để giải quyết vấn đề cấp bách trong tình hình hiện nay, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước nên sớm thông báo hạn ngạch và lãi suất cho vay phù hợp để các doanh nghiệp yên tâm vay vốn thu mua cá tra tồn đọng trong dân. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người nuôi cá tra tiếp cận được với các nguồn vốn từ các ngân hàng.

Về các giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Căn cứ vào đầu ra, giá thành, mức hỗ trợ... cần phải công khai lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người nuôi như thế nào là một việc làm cần thiết. Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng “nghi ngờ” nhau. Có thế, nhà nước - doanh nghiệp và người nuôi cá càng thuận lợi để vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay”.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường