Indonesia đã bắt đầu thực hiện cơ chế miến thuế đối với đường thô nhập khẩu cho các nhà sản xuất đường tinh luyện vào ngày 9/5/06, đúng thời điểm giá đường quốc tế đang ở mức cao. Cơ chế này dự tính sẽ kết thúc vào ngày 9/11/06.
Tuy nhiên, với việc giá đường thô thế giới hiện đang ở mức thấp nhất trong một năm qua do hoạt động bán ra của các quỹ hàng hoá và các yếu tố cơ bản của thị trường ngày càng tiêu cực, Indonesia quyết định áp đặt lại thuế nhập khẩu ở mức 250 rupiah/kg (0,272 USD/kg) có hiệu lực kể từ ngày 1/10/06.
Theo ông Yamin Rahman, Chủ tịch Hiệp hội Đường Tinh luyện Indonesia, trong 9 tháng đầu năm, ngành đường nước này đã nhập khẩu khoảng 625.000 tấn đường thô. Sản lượng đường tinh luyện cũng trong thời gian này đạt 730.000 tấn. Ngành đường Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 1,1 triệu tấn đường cho đến cuối năm nay.
Được biết, đường tinh luyện chỉ có thể được sử dụng bởi ngành chế biến lương thực và nước giải khát, mà không được phép lưu thông trên thị trường bán lẻ để tiêu dùng công cộng.
Indonesia, nước tiêu thụ đường lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đã và đang đẩy mạnh mua vào để đảm bảo đủ cung trong suốt tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.
Năm nay, Indonesia dự tính sản lượng đường trắng sẽ đạt 2,48 triệu tấn đường trắng, tăng so với mức 2,24 triệu tấn năm 2005, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ đường năm nay ước tính dao động trong khoảng 2,6 – 2,7 triệu tấn. Đường trắng được sản xuất từ mía trồng trong nước và có chất lượng thấp hơn so với đường tinh luyện.
(1 USD = 9.180 rupiah)
(Nguon tin: Reuters)