Các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và sản xuất trong nước đang thất vọng khi phải chạy về các bộ để xin công bố hợp quy và đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng nhập khẩu, hàng sản xuất nhưng chưa được. Vì vậy, không ít DN đã bị QLTT niêm phong hàng, xử phạt cả trăm triệu đồng bởi sản phẩm lưu hành nhưng chưa được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo quy định tại Luật ATTP.
Chạy đủ đường, vẫn không có “giấy thông hành”
Một chủ DN bức xúc: “Đâu phải chúng tôi muốn lưu hành sản phẩm khi chưa công bố hợp quy nhưng nhiều tuần nay, DN đã chạy khắp nơi để làm thủ tục nhập khẩu cho các nguyên liệu sản xuất xúc xích, giăm bông, thịt hun khói… mà không có ai tiếp nhận. Chạy đến Bộ Công Thương, rồi đến Bộ NN-PTNT nhưng không ai chịu cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho DN. Lý do các cơ quan này đưa ra là vì chưa có hướng dẫn thực hiện Luật ATTP”.
Theo DN này, trước đây chỉ ngành y tế kiểm tra rồi công bố tiêu chuẩn sản phẩm thì DN cũng phải chủ động lắm mới kịp cho sản xuất nhưng nay phải chạy tới 3 bộ (Y tế, Công Thương, NN-PTNT). Vậy mà, DN vẫn không đủ “giấy thông hành” cho các sản phẩm thực phẩm vốn đã tiêu thụ lâu nay trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm.
Chủ một DN chuyên sản xuất các loại gia vị cho biết gần 1 tuần nay, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chỉ nhận các hồ sơ thuộc lĩnh vực quản lý theo Luật ATTP. Như vậy, với những mặt hàng còn lại, DN phải chạy qua Bộ Công Thương để xin công bố hợp quy. Thế nhưng, Bộ Công Thương nói phải chờ nghị định hướng dẫn của Chính phủ mới có thể ban hành thông tư.
“Hai tuần qua, DN bị đình trệ kinh doanh vì không biết nộp hồ sơ ở đâu và công bố sản phẩm thế nào. Đã vậy, khi lực lượng QLTT đi kiểm tra lại không chấp nhận giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm hiện hành mà nhất định bắt DN phải trình giấy công bố hợp chuẩn, hợp quy, nếu không phải chịu phạt. Chúng tôi thực sự đang bị “kẹt” bởi bản thân DN muốn công bố hợp quy cho sản phẩm thì lại không có cơ quan đứng ra tiếp nhận”- đại diện DN này bức xúc.
Ba bộ cùng quản lý… xe hàng rong
PGS-TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), phân tích: “Thông thường, một siêu thị, tiệm tạp hóa hay một bà bán xe hàng rong bao giờ cũng kinh doanh đa ngành hàng, từ bánh kẹo, nước giải khát, sữa, rau củ quả, trứng… Như vậy, không chỉ khâu cấp phép cần có 3 bộ ra tay mà nếu muốn kiểm tra ATVSTP mặt hàng kinh doanh của các đối tượng này cũng phải lập đoàn kiểm tra liên ngành mới giải quyết được. Nếu phân chia rạch ròi thì Bộ Công Thương kiểm tra ít bánh kẹo, Bộ NN-PTNT kiểm tra mấy mớ rau, còn Bộ Y tế kiểm định mấy chai nước… Đó là chưa kể, hai bộ kia chắc gì đã sẵn sàng labo để kiểm nghiệm các ngành hàng”.
Theo quy định của Luật ATTP, Bộ NN-PTNT kiểm tra một số ngành hàng gồm: ngũ cốc, thủy sản và sản phẩm thủy sản, thịt và sản phẩm thịt, rau củ quả và sản phẩm sau củ quả, trứng và sản phẩm trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và sản phẩm mật ong... Bộ Công Thương quản lý: rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột - tinh bột... Bộ Y tế quản lý chất phụ gia và hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng...
Dù phân định rạch ròi là vậy nhưng theo nhiều DN, họ vẫn không biết “xếp” sản phẩm vào đâu để xin cấp phép. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Cấp phép (Cục ATVSTP), dẫn chứng: Chỉ một cái bánh trung thu thôi nếu xét từng thành phần, từ vỏ đến nhân thì bộ nào cũng có quyền kiểm tra và tiếp nhận công bố hợp quy. Ông Dũng cũng thừa nhận thời gian qua, rất nhiều DN phàn nàn với Bộ Y tế khi gặp quá nhiều phiền hà trong khâu công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Nhiều DN nhập khẩu rối tung lên vì hàng hóa ách tắc không thông quan được do thiếu chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Chưa biết cách “gỡ” cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ: NN-PTNN, Công Thương, Tư pháp khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP trước ngày 30-9. Theo thông báo này, Thủ tướng tạm thời cho phép thực hiện các quy định về quản lý ATTP tại các văn bản pháp luật hiện hành không trái với quy định của Luật ATTP, cho đến khi nghị định thi hành Luật ATTP ban hành và có hiệu lực. “Tuy nhiên, nếu thực hiện các quy định cũ lại trái với luật, thành ra chúng tôi cũng chưa biết làm cách nào để “gỡ” cho DN mà không phạm luật” - ông Dũng băn khoăn.
|
Theo Khánh Anh
Người lao động