Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các ông lớn thực phẩm bắt tay liên kết
27 | 10 | 2011
Với thế mạnh nắm trong tay chuỗi kinh doanh thực phẩm từ sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến cung ứng thông qua hệ thống phân phối siêu thị, cửa hàng, chợ… Satra, Dofico bắt tay nhau với kỳ vọng tạo ra thế mạnh cạnh tranh cân bằng trên thị trường thực phẩm với các đại gia nước ngoài.

Với thế mạnh nắm trong tay chuỗi kinh doanh thực phẩm từ sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến cung ứng thông qua hệ thống phân phối siêu thị, cửa hàng, chợ… Satra, Dofico bắt tay nhau với kỳ vọng tạo ra thế mạnh cạnh tranh cân bằng trên thị trường thực phẩm với các đại gia nước ngoài.

Sáng 25.10, hai thương hiệu tên tuổi trong ngành kinh doanh thực phẩm Việt Nam là tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) và tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) trở thành đối tác chiến lược trong việc thiết lập chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Phá thế độc quyền?

Tuy là những thương hiệu mạnh, có tên tuổi trên thị trường, nhưng cả Satra và Dofico đều gặp khó khăn ở đầu vào và đầu ra do chưa tổ chức hệ thống chăn nuôi khép kín. Hai ông lớn này đều thừa nhận đang phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài. Chính vì vậy, Satra và Dofico khẳng định việc họ chọn ra hai đại diện trực thuộc là công ty Vissan và Proconco đứng ra cụ thể hoá các thoả thuận hợp tác sẽ giúp tạo ra chuỗi cung ứng thịt heo an toàn từ sản xuất thức ăn, sản xuất con giống, chăn nuôi, thu mua, giết mổ, chế biến, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Với bề dày 40 năm trong ngành kinh doanh thực phẩm, Vissan được coi là thương hiệu mạnh hiện nay, có lò giết mổ, có dây chuyền chế biến hiện đại và hàng trăm cửa hàng riêng, siêu thị liên kết. Còn đối với Proconco, ít nhất đã góp mặt trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam 20 năm, hiện đang nắm trong tay nhà máy chế biến thức ăn cung cấp ra thị trường 1,2 triệu tấn sản phẩm/năm.

Giới chuyên môn đánh giá sự kiện Satra, Dofico – hai ông lớn trong ngành thực phẩm bắt tay nhau, mục đích không chỉ đơn thuần tạo ra chuỗi sản phẩm an toàn, ổn định từ trang trại đến bàn ăn mà còn hướng đến sự cân bằng thị phần vốn đang nghiêng về các đại gia nước ngoài.

Nhiều năm qua, bất cứ ai trong ngành thực phẩm cũng đều biết rõ chính C.P là một thế lực lớn cung ứng nguồn heo hơi tại thị trường Việt Nam. Với tổng đàn nái khoảng 150.000 con phân bổ trên khắp cả nước, mỗi tháng C.P có thể cung ứng ra thị trường ít nhất 150.000 đầu heo thương phẩm thông qua hệ thống trang trại chăn nuôi tự đầu tư hoặc gia công. Đàn heo của C.P được tổ chức dưới dạng chăn nuôi khép kín, giá thành heo hơi được đánh giá thấp nhất hiện nay, do đó, với số lượng đầu heo này đủ để C.P nắm vị thế đàm phán trên thị trường. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, mỗi ngày tiêu thụ 8.000 con heo thì C.P cung ứng tới 2.500 con. Hầu hết người chăn nuôi đều khẳng định, giá heo hơi và giá con giống trên thị trường hiện nay do C.P quyết định.

Còn Vissan, thị phần cung ứng thịt heo tại TP.HCM tuy luôn chiếm 30 – 40%, nhưng đó chỉ là nắm vị thế đầu ra. Còn phần nguyên liệu tự chủ từ việc đầu tư tổ chức chăn nuôi riêng giống như C.P, thì Vissan còn có quá ít. Vissan hầu như đang phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu heo hơi bên ngoài, trong đó có C.P và luôn bị động trong việc giữ giá bán mỗi khi thị trường heo hơi có biến cố.

Sự cân bằng thị phần với các đại gia nước ngoài được Satra, Dofico thể hiện qua quyết tâm phát triển 25.000 heo giống, 500.000 heo thương phẩm trong giai đoạn đầu (từ năm 2012), sau đó nâng lên 50.000 heo giống, 1 triệu thương phẩm đến năm 2020. So với năng lực giết mổ và cung ứng 2 triệu con heo mỗi năm của Vissan hay hơn nửa triệu con của Dofico hiện nay, thì mục tiêu phát triển số lượng heo như vậy không đáng kể. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Dofico, ít ra với số lượng đầu heo tự nuôi này cũng có thể giúp các đơn vị giảm lệ thuộc vào bên ngoài…

Liên kết ổn định nghề chăn nuôi

Khu vực các tỉnh Đông Nam bộ có tổng đàn heo vào khoảng 4,5 triệu con, riêng Đồng Nai chiếm số lượng lớn nhất với gần 600 trang trại chăn nuôi hiện đại sẽ được chọn làm đối tác liên kết cho mục tiêu của Satra, Dofico. Dự kiến, đầu tháng 12 tới đây, các chủ trại chăn nuôi chuyên nghiệp ở Đông Nam bộ cũng sẽ đứng ra thành lập hiệp hội chăn nuôi.

Trong buổi ký kết để trở thành đối tác chiến lược của Satra và Dofioco hôm qua (25.10), cũng có sự chứng kiến rất đông các chủ trại nuôi heo. Họ được xếp ngồi ở vị trí trang trọng nhất. Ông Nguyễn Trí Công, một chủ trại đến từ Đồng Nai cho biết, hy vọng lớn nhất của người chăn nuôi khi được góp mặt trong mối liên kết này là giảm rủi ro, sống ổn định với nghề. “Chúng tôi mong muốn Proconco cung cấp thức ăn chất lượng ổn định với giá tốt nhất; được cung cấp con giống và bán sản phẩm ổn định cho Vissan”, ông Công nói.

Ngoài hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đại diện Satra và Dofico còn cam kết hỗ trợ tín dụng cho những trại tham gia vào chuỗi liên kết. Từ trước đến nay, tiêu thụ thức ăn, người chăn nuôi phải trả tiền liền cho đại lý, nhưng nay, khi có sự hình thành ràng buộc hợp đồng thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung ứng vốn thông qua việc bán chịu thức ăn. Người chăn nuôi có nghĩa vụ trả lại vốn khi bán sản phẩm.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường