Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi doanh nghiệp bắt tay nông dân
08 | 09 | 2009
Trong khi thị trường cá tra, cá ba sa ở nhiều nơi rớt giá mạnh làm nhiều hộ thua lỗ thì cũng có không ít hộ nuôi có “của ăn của để” nhờ áp dụng mối liên kết doanh nghiệp (DN) với nông dân.

Cách làm này hiện đang áp dụng khá phổ biến ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp... giúp DN chủ động nguồn nguyên liệu chế biến, kiểm soát nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cả hai cùng có lợi

Có gần mười ao chuyên nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt (Cần Thơ), lâu nay cứ mỗi đợt thu hoạch, ông Nguyễn Văn Viễn lại chạy vạy tìm nơi tiêu thụ. Thậm chí có vụ ông Viễn phải chờ hàng tháng trời mới có DN chịu mua và giá bán thấp dưới giá thành sản xuất khiến ông liên tục thua lỗ. Mới đây ông Viễn quyết định liên kết cùng Công ty cổ phần Nam Việt nuôi cá theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đơn vị này cho nhân viên xuống hỗ trợ kỹ thuật, quản lý quy trình nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn để có nguồn nguyên liệu sạch.

 “Trước đây thấy đầu ra quá khó khăn tôi đã tính bỏ nghề. Nay nhờ DN bảo đảm khâu tiêu thụ nên tôi tiếp tục nuôi cá” - ông Viễn tâm sự. Về phía Công ty Nam Việt, ông Doãn Tới - tổng giám đốc - cho biết ngoài đầu tư vùng nuôi riêng, DN đang thực hiện liên kết với những hộ nuôi có diện tích lớn để hình thành vùng nguyên liệu khoảng 200ha, đáp ứng từ 50% nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Hỗ trợ hộ nuôi nhỏ chuyển đổi nghề

Hiện nhiều DN đã có vùng nuôi đảm bảo được từ 50% nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Do đó, theo Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, vấn đề đặt ra hiện nay là cần hỗ trợ những hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ chuyển đổi nghề, chuyển đổi vật nuôi thích hợp.

Tại An Giang, từ năm 2005 Công ty Agifish đã cùng gần 30 hộ thành lập câu lạc bộ nuôi cá sạch, mỗi năm cung ứng 60% lượng cá chế biến xuất khẩu. Ông Nguyễn Đình Huấn - phó tổng giám đốc công ty - cho biết gần đây dù ảnh hưởng biến động về thị trường nhưng nhờ DN bao tiêu nên những hộ nuôi cá luôn có lãi.

Tương tự, tại HTX Thới An, Ô Môn, Cần Thơ có 36 hộ nuôi cá tra với tổng diện tích 40ha ký hợp đồng hợp tác nuôi cá với Công ty Hùng Vương (Tiền Giang). Sau khi ký kết hợp đồng, bà con tiến hành thả con giống thì phía Hùng Vương đầu tư bằng cách cung cấp thức ăn theo định mức 1,7kg thức ăn/kg cá nguyên liệu tới cuối vụ, sau đó bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Hải - chủ nhiệm HTX - cho biết từ đầu năm tới nay HTX đã giao cho DN này 11.000 tấn cá đạt tiêu chuẩn nuôi sạch. “Cứ mỗi kilôgam cá nguyên liệu người nuôi được hưởng 2.500 đồng, sau khi trừ tiền mua con giống, chi phí phòng trị bệnh, các hộ đều có lãi trung bình 1.000 đồng/kg” - ông Hải hồ hởi.

Kiểm soát chất lượng sản phẩm

Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), do đặc điểm nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra, ba sa ở ĐBSCL chịu sự chi phối bởi tác động của thị trường rất lớn, nên trước đây việc liên kết sản xuất giữa nông dân và DN còn rất hạn chế. Vài nơi tuy đã hình thành sự hợp tác nhưng bản chất mối liên kết ấy chưa thật sự gắn bó, đảm bảo quyền lợi, nhất là về phía người nuôi. Đấy là một trong những nguyên nhân khiến ngành sản xuất này phát triển thiếu bền vững. Sản lượng khi thừa, khi thiếu, giá cả cũng bấp bênh. Điều đó không chỉ làm nông dân thua lỗ mà DN cũng bao phen điêu đứng do thiếu nguyên liệu chế biến...

 

Trong bối cảnh nông dân tiếp tục bỏ ao hàng loạt thì việc liên kết sản xuất giữa DN và nông dân để có nguồn nguyên liệu ổn định là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, các DN còn coi đây là cách để tổ chức lại sản xuất nhằm kiểm soát nghiêm ngặt hơn vấn đề chất lượng sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, qua hình thức cùng tham gia đầu tư và quản lý vùng nuôi cũng dễ dàng thực hiện khâu gắn mã vạch, đáp ứng đòi hỏi truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ phía nhập khẩu. Do đó xuất khẩu cá tra, ba sa càng thuận lợi hơn.

“Sự gắn kết với vùng nuôi còn giúp DN luôn có nguồn nguyên liệu sạch nên sản phẩm đảm bảo sạch. Nhờ vậy sản phẩm của chúng tôi thâm nhập khá thuận lợi vào các thị trường vốn khó tính, kiểm soát chất lượng khá nghiêm ngặt như Mỹ, EU, giá trị xuất khẩu không ngừng tăng” - ông Nguyễn Đình Huấn, phó tổng giám đốc Công ty Agifish, cho hay.

Tuy là đơn vị xuất khẩu thủy sản hàng đầu VN, nguồn cung nguyên liệu của Công ty cổ phần Nam Việt trước đây phần lớn được thu mua theo kiểu mua đứt bán đoạn. Giờ đây họ khởi sự bắt tay cùng nông dân đầu tư vùng nuôi.

“Thị trường ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe, chỉ có gắn kết với người nuôi mới quản lý tốt và nâng cao chất lượng để sản phẩm vượt qua các rào cản kỹ thuật. Có như vậy mới hi vọng xuất khẩu cá tra, ba sa vươn xa” - ông Doãn Tới khẳng định.

Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục giảm mạnh. Phần lớn DN mua tại ao đối với cá loại 1 chỉ 14.500 đồng/kg, loại 2 còn 13.500- 14.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi lỗ từ 1.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, đối với những hộ liên kết với các DN nuôi cá áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá sạch thì giá DN bao tiêu thường trên 15.500 đồng/kg, bảo đảm người nuôi có lãi. Riêng những hộ nuôi khoán theo hình thức gia công được DN thanh toán 2.500 đồng/kg cá nguyên liệu. Sau khi trừ chi phí con giống, thuốc phòng trị bệnh, bơm nước... thì có lãi 500-1.000 đồng/kg.



Theo www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường