Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tốc độ tăng giá vật tư, nguyên liệu cao hơn giá nông sản
31 | 10 | 2011
10 tháng qua, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ xuất khẩu lại tăng tới 37,3%.

Số liệu từ Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 10 tháng qua đạt khoảng 20,8 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ 2010.

Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 11,6 tỷ USD, xấp xỉ tăng 45%; thủy sản ước đạt 4,95 tỷ USD, tăng 23,2%; lâm sản đạt 3,4 tỷ USD, tăng 16,2%.

Mặc dù, khối lượng xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá tăng đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ xuất khẩu trong thời gian qua đã lên đến 13,1 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm 2010 là 37,3%. Như vậy, với đà tăng giá chung, vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất đang có tốc độ tăng giá nhanh hơn tốc độ tăng giá sản phẩm.

Cụ thể, tính đến hết tháng 10/2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 3,5 triệu tấn với giá trị nhập khẩu 1,4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước cả  khối lượng và giá trị đều tăng lần lượt là 39,3% và 75,6%. Giá phân bón nhập khẩu bình quân 9 tháng là 409 USD/tấn, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng lượng nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu cũng tăng 22,7% so với năm 2010 khi đạt con số 508 triệu USD.

Trong 3,4 tỷ USD xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ thu về trong 10 tháng, thì đã có tới 1,1 tỷ USD ngành này phải chi ra cho việc nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Mức nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước tăng 18,6%.

Xuất khẩu cao su  tuy tăng 2,7% về lượng và 57,3% về kim ngạch khi thu về 2,6 tỷ USD, nhưng lượng nhập khẩu cao su lại tăng 23,6% về lượng và 59,6% về giá trị khi đạt 794 triệu USD.

Duy chỉ có mặt hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong 10 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu vẫn giữ ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm trước khi đạt 1,8 tỷ USD.

 Theo VnEconomy



Báo cáo phân tích thị trường