Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vận tải biển trước WTO: Không đủ lực cạnh tranh
22 | 08 | 2007
Trong khi thế giới đang ngày càng chú trọng đến việc phát triển các thế hệ tàu biển có sức chở lớn cũng như các tàu chuyên dụng thì các doanh nghiệp Việt Namchỉ có phần lớn các tàu vận tải hàng khô với trọng tải nhỏ, đội tàu container của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% số lượng tàu với 7% số tấn trọng tải. Khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam sẽ khó có thể tham gia vào hệ thống thương mại hàng hải quốc tế. Ông Nguyễn Văn Tiềm - TGĐ Cty vận tải biển Việt Nam (Vosco) chia sẻ kinh nghiệm: “Phải đặc biệt chú trọng quản trị nguồn lực, trong đó, quan trọng nhất là nguồn nhân lực” .

Theo thống kê sơ bộ, hiện tại cả nước có trên 1.000 tàu với tổng trọng tải khoảng hơn 3,5 triệu tấn, trong đó chỉ có hơn 300 tàu hoạt động tuyến quốc tế. Gần đây đội tàu phát triển mạnh, song chưa có được chiến lược rõ ràng, phần lớn vẫn đầu tư manh mún, không bền vững.

Trong khi thế giới đang ngày càng chú trọng đến việc phát triển các thế hệ tàu biển có sức chở lớn cũng như các tàu chuyên dụng thì các DN VN chỉ có phần lớn các tàu vận tải hàng khô với trọng tải nhỏ, chủ yếu không quá 20.000 tấn. Xu hướng vận tải của thế giới hiện nay là hàng container, trong khi đội tàu container của VN chỉ chiếm khoảng 2% số lượng tàu với 7% số tấn trọng tải.

Lực bất tòng tâm đã khiến đội tàu VN chỉ có thể quanh quẩn kiếm nguồn hàng tại thị trường khu vực, mà không thể vươn tới những tuyến viễn dương có nguồn hàng giá trị cước cao như Châu Âu và Châu Mỹ. Ngay cả nguồn dầu thô xuất khẩu với khối lượng lớn, song đội tàu VN rất khó len chân, phần vì không có tàu chuyên dụng, phần do việc đàm phán để giữ nguồn hàng khó khăn do không được sự hỗ trợ của chính các DN VN có nguồn hàng.

Đảo quốc Singapore chỉ có khoảng 900 tàu các loại, song tổng trọng tải lên tới 36,39 triệu DWT. Hay Indonesia với 4,3 triệu DWT trên tổng số 718 tàu. Và ít ai ngờ rằng, thậm chí đội tàu của chúng ta còn kém Campuchia tới gần 1 triệu DWT.

Nhân lực thiếu chuyên nghiệp

Mặc dù hội nhập sớm, song các DN vận tải biển VN có thực lực, tạo được thương hiệu trong làng vận tải biển thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay như Vosco, Vinaship, Falcon... Còn lại phần lớn DN vận tải biển đều nhỏ bé và chưa hội đủ những yếu tố cần thiết để cạnh tranh được trong hội nhập. Ông Tạ Hoà Bình - Giám đốc Công ty hàng hải Đông Đô - bộc bạch: "Chúng ta không đủ thực lực dù chỉ để cạnh tranh trong khu vực, chứ chưa nói đến thế giới".

Thậm chí ngay trên sân nhà, các DN vận tải biển cũng chiếm thị phần hết sức khiêm tốn. Sự xuất hiện sớm của các hãng tàu lớn như Maersk Line, NYK, P&O... đã và đang cạnh tranh trực tiếp với các DN vận tải biển VN ngay trong lĩnh vực vận tải container chuyên tuyến, vận tải dầu thô và các nguồn hàng xuất khẩu lớn của VN bởi phong cách phục vụ chuyên nghiệp, hợp lý.

Hiện một số DN vận tải biển VN cũng bắt đầu giành lại thị trường vận tải bằng cách mở các tuyến container chuyên tuyến và các tuyến nước ngoài ngắn đến Singapore, Thái Lan... Tuy nhiên, cũng chỉ chia sẻ được một phần thị trường rất nhỏ bé với các đại gia mà chưa thật vững chắc.

Mặt khác, gia nhập WTO, các DN vận tải biển Việt Nam còn phải thực sự tham gia vào hệ thống thương mại hàng hải quốc tế. Ông Nguyễn Văn Tiềm - TGĐ Cty vận tải biển Việt Nam (Vosco) - chia sẻ kinh nghiệm: Phải đặc biệt chú trọng quản trị nguồn lực, trong đó, quan trọng nhất là nguồn nhân lực.

Nước ta là nước non trẻ trong công nghiệp vận tải biển, hệ thống giáo dục đào tạo chuyên gia, chuyên viên vận tải biển chưa hoàn chỉnh, vì vậy đào tạo và đào tạo lại để hình thành nguồn nhân lực chuyên nghiệp cả trong kinh doanh, khai thác, vận hành đội tàu là yếu tố tiên quyết của các DN hiện nay.



Nguồn: Lao động
Báo cáo phân tích thị trường