Trong các phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về vấn đề phân cấp hiện nay. Cụ thể là giữa việc thực hiện và các quy định trong phân cấp? Liên quan đến vấn đề phân cấp, các nhà tài trợ rất quan tâm và họ hoan nghênh việc Việt Nam thực hiện phân cấp trong đầu tư. Trước đây, chúng ta không phân cấp dẫn đến một số sai sót, quan liêu làm cản trở phát triển chung. Nhưng khi có phân cấp, thủ tục hành chính được giải quyết nhanh hơn và tốt hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình phân cấp, đối với những dự án quá lớn, năng lực của địa phương chưa theo kịp sẽ được giải quyết như thế nào? Chẳng hạn như "dự án 30 tỷ USD" vừa qua được dư luận rất quan tâm?
Cái đó chưa thành dự án. Đấy mới là ý tưởng của nhà đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư không coi đấy là dự án.
Đối với luật đầu tư mới, chúng ta phân cấp triệt để, đây là bước đột phá. Thực ra không phải ai cũng muốn phân cấp, bộ nào cũng muốn ôm về mình, có quyền là có lợi (!). Khi Chính phủ đã phân cấp cho địa phương thì địa phương chủ động trong đầu tư hơn.
Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng và Thủ tướng đã đồng ý là đối với những dự án lớn, địa phương không có năng lực thẩm định, kiểm tra, xem xét để từ đó cấp chứng nhận đầu tư thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lập các tổ đặc nhiệm để hỗ trợ.
Chẳng hạn như dự án ở Văn Phong hay một số dự án lớn ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Tổ đặc nhiệm này là tổ liên ngành để giải quyết các vấn đề cụ thể, qua đó đưa ra các khuyến nghị cho địa phương.
Nói chung phân cấp là tốt, chống phiền hà, chống tham nhũng, trách nhiệm rõ ràng. Và khi cần xử lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ can thiệp cụ thể để các nhà đầu tư cũng như địa phương thuận lợi hơn.
Nhưng đến ngưỡng nào để biết được quá mức với địa phương?
Tuỳ năng lực của từng địa phương. Đối với Tp.HCM hay Vũng Tàu, họ có thể xem xét những dự án đến hàng tỷ USD nhưng đối với tỉnh khác lại khác. Có tỉnh chỉ 50 triệu USD cũng là dự án lớn. Như vậy, với tuỳ từng địa phương, chúng tôi sẵn sàng gửi đội đặc nhiệm đến.
Tại Diễn đàn, vấn đề cảng biển cũng được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm và họ có đề cập đến việc số liệu về quy hoạch cảng biển không khớp giữa nghiên cứu của họ với Bộ Giao thông Vận tải?
Tôi cho rằng vấn đề là chưa cập nhật được số liệu chứ không phải không khớp nhau. Số liệu hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là những số liệu dự kiến triển khai còn số liệu các nhà đầu tư quan tâm là số liệu đang thực hiện.
Như vậy có ảnh hưởng và làm ách tắc khả năng triển khai dự án của các nhà đầu tư?
Không ảnh hưởng gì. Chính phủ nhận thức rằng, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng là vấn đề lớn để thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì khi đầu tư thì các nhà đầu tư cũng muốn có cơ sở hạ tầng tốt. Vấn đề của chúng ta hiện nay liên quan đến cơ sở hạ tầng là đường bộ và cảng biển. Hiện nay, cảng biển đang được hoàn thiện theo đúng quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển của Việt Nam.
Nhưng họ cho rằng có nhiều ách tắc trong khu vực cảng biển phía Nam?
Đúng là đang có tình trạng quá tải trong khu vực phía Nam. Chính phủ đã có chương trình phát triển cảng Cái Mép-Thị Vải để đảm bảo giải toả cho tất cả khu vực cảng ở Tp.HCM và đang có hướng chuyển dần khu vực cảng ở Tp.HCM về hướng Hiệp Phước và về phía Cái Mép-Thị Vải.
Liên quan đến Hội nghị CG giữa kỳ sẽ diễn ra tại Hạ Long, Bộ trưởng có thể cho biết sự chuẩn bị được tiến hành như thế nào?
Diễn đàn Doanh nghiệp này cũng là hoạt động trước thềm Hội nghị. Trước đó, Chính phủ Việt Nam cùng các nhà tài trợ đã lập các nhóm làm việc. Trên cơ sở đó, các nhóm làm việc trao đổi thẳng thắn với nhau những vấn đề các nhà đầu tư quan tâm như nhóm tài chính và ngân hàng, sản xuất và phân phối, cơ sở hạ tầng.
Và hiện nay, chúng tôi đang dự kiến sẽ thành lập thêm nhóm về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đưa ra các biện pháp nhằm cung cấp đủ nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư.
Theo cảm nhận của Bộ trưởng, các nhà tài trợ quan tâm nhất về vấn đề gì?
Tại Hội nghị CG, các nhà tài trợ sẽ quan tâm đến những bước cải cách của Việt Nam để thực hiện các cam kết WTO, đây cũng là nội dung chính hiện đang được các nhà đầu tư thảo luận. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng cũng sẽ là nội dung được thảo luận kỹ giữa Chính phủ và các nhà tài trợ tại Hạ Long.
Các nhà tài trợ hiện còn băn khoăn về lộ trình chưa rõ ràng cũng như sự chậm trễ trong việc ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thương mại sẽ có những thông báo cụ thể tới các địa phương về các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Đó là những vấn đề về mở cửa thị trường, dịch vụ, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính như mở cửa các chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam, thành lập các siêu thị trong lĩnh vực bán lẻ.
Chúng ta sẽ có những hướng dẫn cụ thể và đảm bảo rằng sẽ thực hiện đúng cam kết của Việt Nam trong WTO. Nghị định hướng dẫn thực hiện cam kết WTO dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 7 hoặc tháng 8 tới