Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều doanh nghiệp dệt may “đói” đơn hàng
06 | 10 | 2011
Năm trước, chỉ trong quý 3 các doanh nghiệp dệt may đã có được đơn hàng sản xuất đến hết quý 4, nhưng năm nay tình hình lại theo chiều hướng khác.
Tại buổi giao ban tháng 9/2011 do Bộ Công Thương tổ chức trực tuyến ở cả hai miền Nam - Bắc vào sáng 3/10, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, 9 tháng qua xuất khẩu dệt may đã thu về 10,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2010.
Tuy nhiên, gần đây kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng đã có dấu hiêu sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 8/2011, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD thì sang tháng 9 đã giảm tới 200 triệu USD, chỉ còn 1,4 tỷ USD.
Cũng trong 9 tháng qua, lượng hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ chỉ còn chiếm 50% tổng lượng xuất khẩu của toàn ngành, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Song, tại thị trường EU lại có sự tăng trưởng, năm 2010 chỉ chiếm 15% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, thì 2011 đã chiếm 18%. Thị trường Nhật Bản cũng đang nhập tới 12% lượng hàng dệt may xuất khẩu của ngành. 
Vì vậy, ông Trường cho rằng năm 2011, toàn ngành vẫn có thể đạt được mức kim ngạch là 13,5 tỷ USD như kế hoạch đã đề ra, nhưng hiện nay khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt không hề nhỏ.
Hàng năm, vào quý 3, đơn hàng các doanh nghiệp ký được là rất lớn. Ngay năm 2010, mặc dù nền kinh tế thế giới còn khó khăn, nhưng cuối năm các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn có thể nói là “ngập” trong đơn hàng.
Còn hiện nay theo ghi nhận từ Vinatex, chỉ những doanh nghiệp lớn có thương hiệu, uy tín trên thị trường mới có được đơn hàng sản xuất đến hết năm 2011. Ngay trong tháng 10 và tháng 11 này, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành đã thiếu đơn hàng để sản xuất. Thậm chí, gần đây  một doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư nước ngoài tại Hưng Yên, với lượng công nhân lên đến 2.000 người cũng lâm vào khó khăn, phải rút về nước. 
Ông Nguyễn Văn Đô, Tổng giám đốc DHA Group cũng cho hay, hiện nay lượng đơn hàng nhiều doanh nghiệp dệt may ký được trong những tháng cuối  năm đã giảm tới 15- 20% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng giảm, tất nhiên đơn giá không thể tăng.
Đó chính là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp. Còn đối với việc từ 1/10, mức lương tối thiểu được áp dụng cho vùng 1 là 2 triệu đồng/tháng, ông Đô cho rằng không phải “chuyện lớn”, vì hiện nay mức lương doanh nghiệp ông trả cho công nhân bình quân đã là 3 triệu đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp thuộc Vinatex hiện mức lượng trả cho công nhân tại Tp.HCM, Hà Nội bình quân đã là 5 triệu đồng/tháng.
Nhưng dựa trên mức lương mới này, doanh nghiệp sẽ phải tăng gấp đôi khoản tiền đóng bảo hiểm cho người lao động. Với 1.600 công nhân trước đây, mỗi tháng doanh nghiệp của ông Đô phải nộp khoảng 6 tỷ đồng tiền bảo hiểm thì theo mức lương mới, số tiền phải đóng tăng lên là 12 tỷ đồng. “Khoản tiền này doanh  nghiệp buộc phải trích ra từ lợi nhuận”, ông Đô nói.
Sang năm 2012, ông Đô nhận định ngành dệt may Việt Nam sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, do các nước nhập khẩu chính của ngành là Mỹ và EU đang gặp khó khăn về tài chính, dẫn tới người dân cũng phải cắt giảm chi tiêu.
Thêm vào đó, để thu hút đơn hàng, các nước như Ấn Độ, Indonesia đã chấp nhận giảm giá, nên các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh để có được hợp đồng.
Cùng chung nhận định này, ông Trường cũng cho rằng sang quý 1/2012, khó khăn các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt vẫn là vấn đề đơn hàng.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường