Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu nguyên liệu trong chế biến thủy sản: Phương thuốc nào?
26 | 10 | 2011
Tình trạng thiếu nguyên liệu đã diễn ra trong nhiều năm qua và ngày càng gay gắt, trở thành căn bệnh trầm kha của ngành thủy sản. Tuy nhiên, giải pháp khắc phục của các DN vẫn chỉ mang tính tạm thời.
Nhập nguyên liệu
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nhập nguyên liệu để ổn định sản xuất. Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến - Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, từ nhiều năm qua, Công ty đã tăng cường nhập khẩu. Nguyên liệu nhập khẩu chiếm tới 20-30%, chủ yếu nhập từ các nước như: Chi Lê, Ấn Độ, Pakistan, Srilanca, Thái Lan, Trung Quốc…, với mức giá cao hơn khoảng 5% so với trong nước.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc nhập khẩu nguyên liệu tuy giá cao nhưng bảo đảm chất lượng, giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp ổn định lâu dài, hơn nữa, việc nhập khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính để thu mua nguồn nguyên liệu dự trữ và đầu tư kho lạnh bảo quản sản phẩm. Vì vậy, theo ông Phạm Thành Ý, Giám đốc Công ty PHAMFOOD, TP.Vũng Tàu, việc nhập khẩu nguyên liệu chưa phải là giải pháp tối ưu khi chúng ta vẫn đủ điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến.
Theo báo cáo của ngành thủy sản, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chế biến chỉ hoạt động từ 50-60% công suất do thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10% doanh nghiệp đủ khả năng bảo đảm nguồn nguyên liệu hoạt động là nhờ chế biến các sản phẩm tinh, tạo ra giá trị gia tăng cao. Một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về sản xuất các mặt hàng tinh chế là Công ty cổ phần Hải Việt (Havico) và Baseafood. Từ năm 1995, Havico đã bắt đầu sản xuất các mặt hàng tinh chế, ăn liền cao cấp như: sushi, sashimi, chả giò cao cấp…, xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản. Hiện, công ty có khoảng 300 mặt hàng tinh chế, dạng hàng siêu thị ăn liền được sản xuất từ dây chuyền công nghệ mới, hiện đại.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, sản xuất mặt hàng tinh chế có thể tiết kiệm 50% lượng nguyên liệu, giá bán cũng cao hơn 30-40% nên lợi nhuận thu về cao hơn so với sản xuất thô.
Xây dựng vùng nguyên liệu
Để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu như hiện nay, Nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác mở rộng ngư trường khai thác, hỗ trợ ngư dân về kỹ thuật bảo quản nguyên liệu; Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có giải pháp hạn chế các loại nghề khai thác làm tổn hại đến ngư trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nuôi tập trung đang xây dựng, có kế hoạch cụ thể nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp với ngư dân và người nuôi trồng thủy sản bằng cách triển khai hình thức bao tiêu sản phẩm; đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tăng các mặt hàng tinh chế, sử dụng ít nguyên liệu và sản phẩm ngày càng có giá trị gia tăng cao…
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất mặt hàng tinh chế, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần chủ động gắn kết công tác chế biến với vùng nguyên liệu, đẩy mạnh liên kết theo hợp đồng giữa nhà máy với người khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, để xây dựng được mạng lưới cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản là một vấn đề phức tạp. Thực tế lâu nay cũng đã có một số doanh nghiệp lớn trực tiếp đứng ra thu mua và ký hợp đồng với ngư dân tiêu thụ sản phẩm nhưng việc này không tồn tại được lâu vì nảy sinh những vấn đề bấp cập, chẳng hạn như ngư dân không đáp ứng được các điều khoản đã cam kết, giá cả hải sản không ổn định...
Do vậy, để thực hiện được việc này, cần sự vào cuộc của ngành chức năng, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như lâu nay.
Tổng hợp
 


Báo cáo phân tích thị trường