Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thông qua doanh nghiệp
23 | 11 | 2011
Thành tựu nổi bật nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là GDP tăng trưởng tương đối ổn định qua các năm, bình quân khoảng 4,2-4,5%/năm. Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm sau cao hơn năm trước và năm 2009 ước đạt 15,2 tỷ USD. Có được kết quả này phải kể tới sự đóng góp của khoa học và công nghệ. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì các tiến bộ KHCN trong nông nghiệp đã tạo ra giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp tới 30%.
Chuyển giao tiến bộ KHCN cho nông dân thông qua doanh nghiệp đã làm tăng hiệu quả của công tác chuyển giao một cách rõ nét. Đây là ý kiến được đa số các đại biểu đồng tình tại Hội thảo quốc tế Vai trò của doanh nghiệp trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp và PTNT do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức vào sáng nay (23/11) tại Hà Nội.
Tuy nhiên, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế do khu vực này nằm trên địa bàn rộng, có điều kiện tự nhiên khác nhau; trong khi cơ sở hạ tầng còn chưa phát triển. Đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam vẫn là manh mún, nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa lớn. Hiện, Việt Nam có khoảng 11 triệu hộ nông dân nhưng có tới trên 7 triệu mảnh ruộng. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhất là cơ giới hóa việc làm đất, thu hoạch, vận chuyển vật tư và sản phẩm. Thực tế, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch rất lớn lúa từ 11-13%; ngô 13-15%; rau quả 25%... Trong khi đối tượng tiếp cận là nông dân có trình độ dân trí chưa cao...
Trước những thực tế này, các ý kiến đều cho rằng chuyển giao tiến bộ KHCN cho nông dân thông qua doanh nghiệp là con đường nhanh và hiệu quả nhất do đối tượng này có vốn, khả năng đầu tư ngay từ nguyên liệu đầu vào như cung cấp giống, thiết bị hỗ trợ chuyển giao cho người dân. Đặc biệt, do có khả năng tiếp cận thị trường một cách nhạy bén nên doanh nghiệp cũng giúp nông dân bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Là một trong những đơn vị trong nhiều năm liền chuyển giao các nghiên cứu thành công trong lĩnh vực hoa, cây cảnh cho doanh nghiệp, TS. Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu& Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả) kiến nghị cần phải hình thành cơ chế khoán 10 trong nghiên cứu khoa học, trước hết là đối với lĩnh vực nghiên cứu hoa cây cảnh. Theo đó, Nhà nước sẽ đặt hàng và ứng tiền cho các cơ quan khoa học, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Người nhận đặt hàng được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu của mình theo hợp đồng ràng buộc...
Thực tế cho thấy, hiện các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển giao tiến bộ. Vì thế giải pháp để thúc đẩy việc chuyển giao KHCN cho doanh nghiệp mang lại hiệu quả bên cạnh việc đẩy mạnh mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp với nông dân thì theo PGS.TS Lê Tất Khương, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vùng, trước hết phải đổi mới cơ chế hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo hướng hình thành cơ chế phù hợp với thị trường; xây dựng các định hướng chuyển giao công nghệ công nghệ trọng điểm; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hoạt động chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, không ngừng xây dựng và phát triển thị trường công nghệ thông qua cơ chế kích cung – cầu công nghệ. Tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp- tổ chức KHCN-người dân nhằm huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính cho hoạt động chuyển giao công nghệ...
Bên cạnh đó, về phía doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh khoa học và công nghệ khả thi và thích hợp làm cơ sở xác định phương thức hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường