Trước đó, gạo Việt Nam đã từng điêu đứng vì có quá nhiều đầu mối xuất khẩu không kiểm soát nổi giá. Đến giờ, sau một quá trình kéo dài mấy năm, gạo là mặt hàng đi đầu trong các ngành hàng nông sản, có sự kiểm soát tốt.
Để ra được Nghị định 109 của Thủ tướng Chính phủ, hiệu lực từ tháng 10/2011 về những quy định để được xuất khẩu gạo, Tổ điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã phải dự thảo và tổ chức lấy ý kiến 4 lần, phải vượt qua sự phản đối của không ít doanh nghiệp.
Không chỉ trong lĩnh vực nông sản, mà từ mấy năm nay, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng đã nhiều lần lên tiếng về chất lượng cá phi lê xuất khẩu vì không ít doanh nghiệp thương mại tay ngang đã nhảy vào, cạnh tranh mua nguyên liệu cá tra, bán với giá thấp hơn doanh nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, trong khi chất lượng cá phi lê không đảm bảo, tỷ lệ mạ băng rất cao…, ảnh hưởng đến uy tín cá tra Việt Nam.
Việc hạn chế đầu mối xuất khẩu nông sản với những điều kiện rõ ràng là xu thế nhiều nước đang áp dụng. Thái Lan - nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới – chỉ có dưới 20 đầu mối, trong khi Việt Nam thời điểm trước Nghị định 109 có tới trên 200 doanh nghiệp xuất khẩu.
Cơ quan quản lý nhà nước hữu trách cũng đang tính toán sắp xếp lại các đầu mối xuất khẩu thuộc các ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, hạn chế tình trạng có quá nhiều đầu mối dẫn đến tranh mua, tranh bán, làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng hàng nông sản Việt Nam.