Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất - tiêu thụ cá tra: Đến hồi báo động đỏ
20 | 04 | 2012
Gần 70% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất, nông dân thì đang lỗ nặng… Tất cả như cho thấy nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đã đến hồi báo động đỏ.
Gần 70% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất, nông dân thì đang lỗ nặng… Tất cả như cho thấy nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đã đến hồi báo động đỏ.

Sản xuất - tiêu thụ cá tra: Đến hồi báo động đỏ

Nông dân sẽ “treo ao” nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Ảnh: Lục Tùng

Đó là thông điệp được phát đi từ Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra năm 2012” do UBND tỉnh An Giang tổ chức vào hôm qua 19.4 tại TP.Long Xuyên. TS Mai Thị Ánh Tuyết - GĐ Sở Công Thương An Giang mở đầu hội nghị bằng thông tin đáng lo: Toàn tỉnh có 17 DN với 23 nhà máy chuyên chế biến cá tra xuất khẩu với công suất 333.500 tấn/năm. Tuy nhiên hiện nay có đến 69,23% hoạt động kém hiệu quả và đang có nguy cơ ngừng sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn. Ông Lưu Bách Thảo - TGĐ Cty Việt Nam cho rằng: DN xuất khẩu cá tra cần lượng vốn rất lớn. Nói cách khác vốn như máu của DN. Một khi thiếu máu thì DN khó có thể khỏe”.

 

Vấn đề này TS Mai Thị Ánh Tuyết phân tích: Do hệ thống ngân hàng đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên các ngân hàng thương mại tiến hành thu hồi vốn khiến các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn... Nhưng đáng lo hơn là từ đây dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Điển hình là chào bán sản phẩm cá tra với giá thấp với khách hàng nhập khẩu để có tiền xoay vòng. “Chính điều này đã vô tình tạo cớ cho các nhà nhập khẩu xác lập thành giá trần nhập khẩu, gây bất lợi cho lĩnh vực giá trị xuất khẩu cá tra” - TS Tuyết nhấn mạnh. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn là chính điều này đã hạ giá cá sụt giảm đến mức đáng ngại. Hiện giá cá chỉ khoảng 22.000-23.300đ/kg.

 

Theo xác định của Sở Công thương An Giang, với mức này nông dân lỗ từ 1.000-2.033đ/kg, bởi giá thành cá tra hiện nay lên đến 24.366đ/kg. Bị thua lỗ, trong bối cảnh mức đầu tư cho 1ha cá tra tăng vọt từ 2,5-3 tỉ đồng lên 6-10 tỉ đồng, nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nên nhiều hộ đã tính đến chuyện “treo ao”. Theo phân tích của các đại biểu, điều này được xem như hành động châm ngòi cho cuộc khủng hoảng thừa-thiếu trong tương lai gần. Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng GĐ Cty Thuận An (TAFISHCO) tỏ rõ sự âu lo: “Nếu tình hình không sớm được cải thiện, tới đây sẽ khủng hoảng thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ tranh mua để rồi gặp khó ở đầu ra”. Bởi hiện nông dân vẫn chiếm 71,45% vùng nuôi (686/960ha). Tuy nhiên theo bà Trinh, điều đáng lo hơn là nạn khủng hoảng thừa nguyên liệu. Bởi sau khi thấy cá có giá, nông dân lại đổ xô nhau nuôi...



Dù cuộc hội nghị kéo dài đến sau 17 giờ, với hơn 20 ý kiến, tham luận của nhiều người giàu kinh nghiệm, nhưng xem ra vẫn chưa hé mở được “con đường sáng” để con cá tra bơi xa tìm lại thời vàng son.

 

 

Theo dự báo của FAO, 2012-2015 là giai đoạn mà ngành thủy sản có nhiều cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu, với sức tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 0,8%/năm, tổng nhu cầu thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng khoảng 2,1%/năm”.

TS Mai Thị Ánh Tuyết - GĐ Sở Công Thương An Giang



Theo Lao động
Báo cáo phân tích thị trường