Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy sản Việt bị cảnh báo kháng sinh cấm
24 | 05 | 2013
Niềm vui từ việc Nhật Bản tháo dỡ quy định kiểm tra 100% tôm Việt Nam về Trifluralin chưa đủ xua đi nỗi lo của ngành thủy sản khi đang phải đối mặt với những cảnh báo về chất lượng từ các thị trường khác

 Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), thời gian vừa qua, nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn liên tục bị cơ quan thẩm quyền ở nhiều nước nhập khẩu cảnh báo không bảo đảm ATTP.

Số liệu thống kê tại các thị trường có yêu cầu kiểm tra, chứng nhận của NAFIQAD cho thấy tỷ lệ lô hàng bị cảnh báo vi phạm quy định về an toàn thực phẩm trong năm 2012 là 0,48%, tăng 0,02% so với năm 2011.

Trong khi đó, đối với các thị trường không yêu cầu kiểm tra, chứng nhận của NAFIQAD, tình hình cảnh báo cũng rất nghiêm trọng. Mới đây, NAFIQAD đã nhận được văn bản của Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Australia (DAFF) thông báo tình hình phát hiện dư lượng Fluoroquinolones trong các lô hàng thủy sản của Việt Nam tăng cao.

Tại Canada, số liệu của CFIA cho thấy tình hình nhiễm dư lượng Fluoroquinolones trong các lô hàng thủy sản nuôi có nguồn gốc từ Việt Nam, từ năm 2009 đến nay không có sự cải thiện.

Theo đó, kết quả kiểm tra dư lượng Fluoroquinolones đối với lô hàng thủy sản nhập khẩu do CFIA thực hiện trong 3 năm qua cho thấy tỉ lệ đáp ứng yêu cầu của Việt Nam ở mức rất thấp so với các nước khác (tỉ lệ đáp ứng của Việt Nam trong các năm 2009 - 2010, 2010 - 2011 và 2011 - 2012 chỉ là 72,88%, 59,68% và 64,04%, thấp hơn nhiều so với con số 95%, 96,3% và 95,7% của các nước khác xuất khẩu thủy sản vào Canada).

Riêng trong năm 2011 - 2012, Việt Nam đã có 103 lô hàng thủy sản bị từ chối nhập khẩu vào Canada do phát hiện dư lượng Fluoroquinolones. Ở thị trường Australia, DAFF thông báo đã phát hiện 39 lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm dư lượng Fluoroquinolones trong thời gian vừa qua (chủ yếu là enrofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin trong cá fillet).

Như vậy, sau nhiều năm tạm lắng, việc nhiễm dư lượng nhóm Fluoroquinolones lại đang trở thành vấn đề nóng của thủy sản Việt Nam. Hồi năm 2005, 3 tiểu bang ở miền nam nước Mỹ đã cấm bán nhiều sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam do phát hiện 19/21 lô hàng qua kiểm tra có nhiễm dư lượng kháng sinh Fluoroquinolones. Trước tình hình đó, Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT) đã đưa nhóm kháng sinh Fluoroquinolones vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Vậy mà đã 8 năm trôi qua, nhóm kháng sinh này vẫn đang gây ra những rắc rối không nhỏ cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Không chỉ ở Canada và Austalia, ở Nhật Bản (một trong 3 thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam), nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam vẫn đang bị cảnh báo nhiễm Enrofloxacin (thuộc nhóm Fluoroquinolones).

Cụ thể, từ tháng 7/2012 đến nay, khi NAFIQAD áp dụng chế độ kiểm tra chặt với các cơ sở xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản có lô hàng bị cơ quan chức năng nước này cảnh báo dư lượng chất độc hại, thì có tới 11/40 lô hàng bị cảnh báo là nhiễm Enrofloxacin.

Trong thực tế, dù đã bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản ở nước ta, nhưng nhóm kháng sinh Fluoroquinolones vẫn đang được lén lút sử dụng đây đó.

Ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Cty Thuận Phước, cho hay, tình trạng dịch bệnh tôm hoành hành trong mấy năm qua đã khiến cho nhiều nông dân đánh liều sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh cấm sử dụng. Kết quả của chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại ở Nam bộ trong những tháng qua cũng thấy rõ điều này.

Trong tháng 4 vừa rồi, Cơ quan Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam bộ đã phát hiện 2 mẫu cá tra và 1 mẫu cá lóc ở Trà Vinh nhiễm dư lượng Enrofloxacin ở mức cao từ 2 - 26,64ppb.

Trước tình hình đó, NAFIQAD đã yêu cầu các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản chủ động rà soát, nâng cấp điều kiện bảo đảm ATTP của cơ sở, tăng cường phổ biến, đào tạo kiến thức ATTP cho cán bộ quản lý chất lượng, công nhân tham gia sản xuất, tập trung rà soát Chương trình quản lý chất lượng theo HACCP để nhận diện và kiểm soát hiệu quả hơn nữa các mối nguy về dư lượng hóa chất, kháng sinh, đặc biệt là các kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolones, khi sản xuất thủy sản xuất khẩu đi các thị trường nói chung và thị trường Australia, Canada nói riêng.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường khuyến cáo và chủ động giám sát, kiểm tra các cơ sở, hộ nuôi cung cấp nguyên liệu về việc sử dụng hóa chất, kháng sinh đúng quy định. Cung cấp thông tin cơ sở, hộ nuôi có thủy sản bị phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép về NAFIQAD hoặc Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung Bộ, Nam bộ (theo địa bàn hoạt động của cơ sở chế biến) để phối hợp với cơ quan quản lý đba phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

NAFIQAD đề nghị VASEP kêu gọi các doanh nghiệp thành viên chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, tránh rủi ro không đáng có cho hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản của doanh nghiệp

Để tránh nguy cơ bị ngưng xuất khẩu thủy sản sang Canada và Australia, NAFIQAD sẽ nghiên cứu, đề xuất Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là các biện pháp khẩn cấp tạm thời để kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu vào 2 thị trường trên.



Theo CafeF
Báo cáo phân tích thị trường