Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy sản Việt Nam bị cảnh báo kháng sinh tại 3 thị trường chính
11 | 06 | 2011
Điều này đã khiến nhiều DN không dám tiếp tục hoặc giảm tần suất XK.

Mặc dù XK thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay đều có dấu hiệu tăng trưởng mạnh nhưng vẫn còn tình trạng các lô hàng liên tục bị 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản cảnh báo về dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Điều này đã khiến nhiều DN không dám tiếp tục hoặc giảm tần suất XK, đặc biệt là XK sang Nhật.

Từ đầu năm tới nay, Mỹ là thị trường NK thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng lại có số lô hàng bị cảnh báo nhiều nhất. 4 tháng đầu năm, đã có gần 100 lô hàng thủy sản Việt Nam nằm trong hệ thống cảnh báo của FDA cũng chưa phản ánh đúng thực trạng hàng thủy sản Việt Nam bị nhiễm hóa chất và chỉ mang tính chất tham khảo, vì hệ thống cảnh báo của FDA là cảnh báo tự động – có nghĩa là khi một lô hàng của DN bị phát hiện nhiễm kháng sinh, vi sinh hoặc ghi sai nhãn thì hệ thống này sẽ tự động đưa tên DN đó vào danh sách cảnh báo trong hệ thống ở những lần tiếp theo mà không cần phải kiểm tra.

Trong khi đó tại thị trường EU, từ đầu năm tới nay, Hệ thống cảnh báo nhanh về vệ sinh an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) của EU đã có các cảnh báo nhanh về 45 lô hàng thủy sản của Việt Nam XK sang các nước thành viên EU chưa đạt tiêu chuẩn vì các nguyên nhân khác nhau, trong đó có nhiễm các chất kháng sinh như chlorpyriphos, trifluralin, chloramphenicol… Cụ thể, cá biển bị cảnh báo sử dụng kháng sinh vượt mức cho phép với thủy ngân, chloramphenicol, carbon monoxit; cá tra bị cảnh báo chủ yếu với Listeria monocytogenes, Salmonella, chlorpyriphos, trifluralin, neomycin; mực và bạch tuộc bị cảnh báo sử dụng trái phép hydrogen peroxit để khử nhiễm khuẩn cadmium, chất chiếu xạ trái phép, và các lô hàng tôm sú bị cảnh báo do không có chứng nhận vệ sinh, không khai báo chất sulphit, chất chiếu xạ trái phép…

Với Nhật Bản, 4 tháng đầu năm nay, đây là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam và có số lô hàng thủy sản bị cảnh báo thấp nhất trong 3 thị trường. Tuy nhiên Nhật hôm 9/6 đã ra quyết định kiểm soát chặt chẽ thủy sản nước ta bằng cách kiểm tra 100% số lô tôm của Việt Nam xuất sang Nhật đối với trifluralin và enrofloxacin. Điều này đang gây khó khăn lớn cho các DN XK tôm nói riêng và thủy sản nói chung vào Nhật.

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã khuyến cáo các DN thủy sản Việt Nam cần kiểm tra nghiêm ngặt các lô hàng thủy sản của DN trước khi XK nhằm tránh bị tổn thất về tài chính cũng như hình ảnh không chỉ của DN mà còn của cả ngành thủy sản Việt Nam.

Vasep và các DN cũng đã đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có các biện pháp đồng bộ và mạnh hơn nữa để bảo vệ sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam, đặc biệt tại Nhật và EU, như gặp gỡ và làm việc với các cơ quan thẩm quyền Nhật về quy định mức dư lượng cho phép trong sản phẩm thủy sản vì theo quy định hiện nay của Nhật Bản, mức dư lượng cho phép là quá nhỏ so với các thị trường khác. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần cập nhật các quy định về hóa chất, kháng sinh phù hợp với các thị trường NK để thông báo cho DN thủy sản nhằm có biện pháp chủ động hơn trong kiểm soát sự lây nhiễm của hóa chất, kháng sinh; có văn bản gửi các địa phương yêu cầu thường xuyên giám sát, kiểm tra việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ và sử dụng các chất cấm hoặc hạn chế sử dụng theo yêu cầu của thị trường.

Theo Vasep



Báo cáo phân tích thị trường