Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Từ chối tôm nguyên liệu chưa rõ nguồn gốc
15 | 08 | 2007
Ủy ban Tôm VASEP vừa kêu gọi các DN chế biến và xuất khẩu tôm kiên quyết không mua các lô tôm nguyên liệu thiếu hồ sơ truy xuất. Việc kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào từ các cơ sở thu mua sẽ hạn chế tình trạng tôm xuất khẩu bị nhiễm tồn dư kháng sinh.

Ông Trần Thiện Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn tới các DN yêu cầu các DN tự kiểm soát kháng sinh cấm bằng các biện pháp: yêu cầu các cơ sở cung cấp nguyên liệu kiểm tra các trại nuôi trong việc sử dụng thức ăn và hoá chất, đặc biệt là thức ăn và thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các DN cần kiên quyết từ chối các lô nguyên liệu không có hồ sơ truy xuất.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát việc thực hiện quy định về VSATTP trong sản xuất tại nhà máy, cảnh báo công nhân về việc sử dụng thuốc khử trùng, quy định 100% công nhân phải đeo găng tay khi sản xuất.

Ủy ban Tôm cũng khuyến khích các DN nên tự gửi mẫu kiểm tra kháng sinh đối với lô hàng bị cấm.

Ông Trần Thiện Hải nhắc các DN xuất khẩu tôm cần hợp tác tốt với các nhà nhập khẩu, khách hàng của mình trong việc cung cấp thông tin liên quan đến các biện pháp khắc phục cũng như kiểm soát, phòng chống kháng sinh cấm mà DN và các cơ quan chức năng Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

Bên cạnh đó, DN có lô hàng bị cảnh báo nên tập trung tìm ra nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời. Thông qua các nhà nhập khẩu, cần kiến nghị phía Nhật Bản hạn chế các quyết định bất lợi tiếp theo đối với tôm Việt Nam.

Trước đó, Bộ Thuỷ sản cũng đã có công văn 2453 về việc triển khai các biện pháp cấp bách kiểm soát thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Theo đó, tại các tỉnh trọng điểm ở ĐBSCL, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM thành lập ngay các đoàn đi kiểm tra tại các cơ sở nuôi, tàu cá, cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thuỷ sản.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đang áp dụng lệnh kiểm tra 100% các lô hàng mực và 100% các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật.

Nghiêm trọng hơn, trong thời gian kiểm tra này, chỉ cần phát hiện một vài DN tiếp tục vi phạm, có thể toàn bộ các DN cùng ngành sẽ bị cấm nhập khẩu vào Nhật. Như vậy, nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề nhiễm kháng sinh cấm, ngành tôm Việt Nam sẽ phải đối diện với nguy cơ mất thị trường.

Hà Yên

Tin liên quan:

Chế biến thủy sản: Loại bỏ kháng sinh cấm ra sao?

Tiếp tục cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu cá mực sang Nhật Bản

Cá mực Việt Nam có thể bị cấm sang Nhật

Phát hiện 127 lô tôm có chứa tạp chất



Báo cáo phân tích thị trường