Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đến năm 2020, tổng giá trị ngành điều sẽ đạt 2,5 tỷ USD
20 | 12 | 2013
Nhằm phát triển ngành điều bền vững, sản xuất hàng hóa lớn với các sản phẩm đa dạng có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xây dựng Đề án Phát triển bền vững ngành điều Việt Nam đến năm 2020.
Để có những mục tiêu cũng như giải pháp khả thi cho ngành điều, ngày 18/12, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) và Cục Trồng trọt đã tổ chức hội nghị góp ý vào Đề án này tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Theo dự thảo đề án này, đến năm 2020 tổng giá trị ngành hàng điều sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD cho tiêu thụ trong và ngoài nước; tổng diện tích từ 300.000-320.000 ha, tổng sản lượng hạt 400.000 tấn, đáp ứng 40% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến. Hạt điều đưa vào chế biến trên 1 triệu tấn; nhân điều qua chế biến là 225.000 tấn, trong đó chế biến sâu là 50.000 tấn; dầu vỏ hạt điều là 150.000 tấn, trong đó có chế biến sâu là 75.000 tấn. Bã vỏ hạt điều chế biến thành chất đốt khoảng 400.000 tấn, dịch ép từ quả điều chế biến thành cồn khô là 1.000 tấn.
 
Để đạt được các mục tiêu này, dự thảo đề án đã đưa ra nhiều giải pháp như về sản xuất, gồm quy hoạch vùng sản xuất, thâm canh đồng bộ trên diện tích có điều kiện thâm canh, tái canh trên diện tích điều già cỗi, trồng xen trong vườn điều, nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật... Về chế biến, quy hoạch và sắp xếp lại các cơ sở chế biến hạt điều theo hướng giảm đầu mối, giảm cơ sở chế biến nhỏ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành các cơ sở chế biến lớn với thiết bị công nghệ hiện đại. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến điều liên kết, liên doanh hình thành các công ty có tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ cao, thương hiệu mạnh...
 
Bà Nguyễn Thị Kim Nga, Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho rằng, theo dự thảo, cùng với việc mở rộng diện tích điều hiện có ở hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, việc vận động doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân là xu hướng tất yếu trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần đánh giá lại những bất cập dẫn đến việc doanh nghiệp và nông dân không liên kết với nhau trong thu mua nguyên liệu. Theo đó, Hội kiến nghị Vinacas và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Bình Phước xây dựng thành công dự án mẫu về liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến điều để nhân rộng ra các địa phương khác.
 
Về vấn đề thay đổi giống mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu, Vinacas đề nghị tổ chức đánh giá lại hiệu quả các giống điều cũ, đồng thời đề nghị nhà nước tăng cường kinh phí cho công tác nghiên cứu giống; hỗ trợ 100% cây giống cho nông dân chuyển đổi diện tích điều giống cũ kém hiệu quả, bị thoái hóa giống sang trồng giống điều mới; rà soát, đánh giá và quy hoạch dài hạn các vùng trồng điều để có nguồn nguyên liệu ổn định và lâu dài. Mặt khác, đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ người trồng điều; khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà máy, cơ sở chế biến có trách nhiệm hơn trong xây dựng vùng nguyên liệu bằng hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm đối với người trồng.
 
Cũng theo Vinacas, nhà nước nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến sâu, sản phẩm phụ, đa dạng hóa thị trường trong nước, đồng thời hỗ trợ để đến năm 2020 có 10-20 doanh nghiệp ngành điều có thương hiệu quốc gia./.
 
(Theo TTXVN)


Báo cáo phân tích thị trường