Giá các hàng hóa nông sản (đặc biệt là giá ngũ cốc và giá các loại dầu từ hạt) bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng thông qua 2 kênh: trực tiếp thông qua chi phí nhiên liệu (và các năng lượng khác), và gián tiếp thông qua chi phí phân bón – hóa chất (một số loại phân bón sản xuất trực tiếp từ khí tự nhiên). Trên phạm vi toàn cầu, năng lượng chiếm hơn 10% chi phí sản xuất hàng hóa nông sản – cao gấp 4 – 5 lần so với chi phí năng lượng trong ngành công nghiệp. Độ co giãn chuyển hóa từ năng lượng sang giá hàng hóa thực phẩm là khoảng 0,2 về dài hạn, tức là giá năng lượng giảm 50% sẽ gắn với mức giảm 10% giá thực phẩm.
Giá năng lượng thấp đang giúp giảm áp lực chi phí đầu vào cho các nhà sản xuất hàng hóa thực phẩm, đặc biệt là tại các khu vực có thâm dụng năng lượng trong nông nghiệp cao nhất, như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Brazil. Giá dầu năm 2016 được dự đoán đạt trung bình 43 USD/bbl, thấp hơn 16% so với năm 2015, trong khi giá phân bón được dự đoán giảm 18%, cao hơn mức giảm 5% hồi năm 2015.
Rủi ro thời tiết chính của năm 2015, El Nino đã đạt đến độ bão hòa mặc dù một số hiệu ứng vẫn còn rơi rớt đến thời điểm này. Đối trọng của El Nino là La Nina – hiện tượng biển Thái Bình Dương khu vực xích đạo ngoài khơi Nam Mỹ giảm nhiệt – có thể mạnh lên vào cuối năm 2016, theo dự báo của NOAA, mặc dù cơ quan này đã hạ khả năng xảy ra La Nina từ mức 75% hồi tháng 6 xuống còn 55 – 60% vào tháng 7.
Trong tình hình giá hàng hóa thấp như hiện nay, các chính phủ đang tăng cường chuyển dịch từ các chính sách thương mại nhằm giảm giá tiêu dùng (thường áp dụng trong suốt giai đoạn giá tăng cao 2007 – 2008 và 2010 – 2011) sang các chính sách nhằm tăng giá cho người sản xuất.
Ấn Độ, là một ví dụ, đã tăng thuế nhập khẩu lúa mỳ từ 10% (10/2015) lên 25% và duy trì mức thuế này đến tháng 3/2016. Ấn Độ cũng tăng giá hỗ trợ tối thiệu đối với gạo. Tương tự, Nam Phi tăng thuế nhập khẩu lúa mỳ thêm 30%. Nigeria thông báo các biện pháp hỗ trợ khác nhau, bao gồm trợ cấp cho máy móc và tăng tiếp cận tín dụng.
Mặt khác, hỗ trợ nông nghiệp trong các nước OECD đã giảm gần một nửa trong hơn 20 năm qua và hiện vẫn chiếm tới 17% tổng doanh thu hộ sản xuất nông nghiệp, theo Báo cáo Giám sát chính sách nông nghiệp OECD năm 2016. Tuy nhiên, mức hỗ trợ trung bình tại các nền kinh tế mới nổi đã tăng từ mức rất thấp hoặc thậm chí mức âm lên tiệm cận mức trung bình của các nước OECD.
Một thách thức chính sách quan trọng là quyết định kết thúc chương trình dự trữ ngô của Trung Quốc hồi cuối năm ngoái, sau khi nước này đề ra sáng kiến tái dự trữ bông. Chương trình dự trữ của Trung Quốc được lên kế hoạch thay bằng một chương trình ít bóp méo giá thị trường hơn, có thể, tương tự như các chương trình trước đó triển khai tại EU, Mexico và Mỹ. Những thay đổi trong chính sách nông nghiệp của Trung Quốc rất quan trọng bởi 2 lý do.
Thứ nhất, Trung Quốc nắm giữ một lượng lớn bất thường các kho dự trữ, cao hơn từ 50 – 90% so với mức trung bình của thập kỷ trước.
Thứ hai, những thay đổi chính sách diễn ra khi các thị trường hàng hóa nông sản có nguồn cung dồi dào, với tỷ trọng dự trữ/tiêu dùng cao hơn mức trung bình 10 năm. Do đó, bất cứ đợt xử kho nào cũng có thể gây áp lực giảm giá mạnh và ảnh hưởng đến sản xuất.
Cuối cùng, các dự báo giả định rằng các loại nhiên liệu sinh học sẽ tiếp tục có nhu cầu đối với các hàng hóa thực phẩm – chủ yếu là ngô cho ethanol tại Mỹ, mía đường cho ethanol tại Brazil, và dầu ăn cho nhiên liệu diesel sinh học tại châu Âu. Các loại nhiên liệu sinh học hiện chiếm gần 3% tổng đất nông nghiệp toàn cầu và 1,6% tiêu dùng nhiên liệu lỏng toàn cầu. Vai trò của nhiên liệu sinh học sẽ ít quan trọng hơn về dài hạn do các nhà làm chính sách ngày càng nhận ra các lợi ích về năng lượng và môi trường từ nhiên liệu sinh học không lớn như từng được dự đoán. Thực vậy, sản xuất nhiên liệu sinh học đã tăng trung bình 1% trong năm nay và năm ngoái, so với mức 17% trong suốt giai đoạn 2001 – 2014.
Theo Báo cáo Triển vọng các thị trường hàng hóa tháng 7/2016 của WB