Trung Quốc là nước có tiêu dùng thực phẩm ngoài hộ gia đình lớn nhất thế giới. Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Qianzhan công bố năm 2016, thị trường giao hàng thực phẩm và đồ uống trực tuyến của Trung Quốc có giá trị khoảng 25 tỷ USD, tăng gần 8 lần so với năm 2011. Báo cáo cũng ước tính các sàn thương mại điện tử chuyên cho đặt hàng đồ ăn trực tuyến có khoảng 256 triệu người dùng đăng ký. Gần 40% người sử dụng điện thoại di động sử dụng thiết bị này để đặt hàng đồ ăn và các công ty kinh doanh ẩm thực giao ngay phục vụ gần 400 triệu đơn hàng hàng tuần.
Đồng thời, lượng rác thải của dịch vụ giao đồ ăn cũng ngày càng tăng cao. Báo cáo ước tính 3 sàn giao dịch dịch vụ giao đồ ăn lớn của Trung Quốc đã cung cấp 65 triệu hộp thực phẩm, 20 triệu đôi đũa dùng 1 lần và 20 triệu túi nhựa mỗi ngày. Nếu chỉ tính riêng số túi nhựa trong 1 ngày, các nhà giao dịch có thể dùng lượng túi này để phủ khắp một diện tích 420.000m2 – gần bằng diện tích của quảng trường Thiên An Môn. Số liệu thống kê này cho thấy một cuộc khủng hoảng môi trường đang tăng cấp và có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát.
Hiện nay, gần như tất cả các nhà hàng đều giao thực phẩm vào các hộp dùng một lần, cung cấp đũa dùng 1 lần cho các đơn hàng giao đi, với chi phí của các tiện ích này do người tiêu dùng gánh chịu. Sau khi dùng bữa xong, phần lớn người tiêu dùng chỉ cần vứt các đồ dùng này đi. Dù các đồ dùng này chỉ tốn vài tệ, chi phí môi trường và sức khỏe người tiêu dùng cao hơn và khó xử lý triệt để hơn nhiều.
Lo ngại ngày càng tăng về vấn đề môi trường của dịch vụ giao thực phẩm là nguyên nhân cho Chongqing Green Volunteer League, một tổ chức môi trường phi chính phủ, nộp đơn kiện 3 sàn giao dịch thực phẩm giao ngay: Baidu Waimai, Ele.me, và Meituan Waimai. Các nhà hoạt động môi trường cáo buộc các công ty này lãng phí nguồn lực và góp phần làm suy thoái hệ sinh thái, các hành động có thể nói theo luật pháp là “gây ra rủi ro nguy hiểm cho lợi ích cộng đồng”. Ngày 1/9, tòa án nhân dân Bắc Kinh đã đồng ý tiếp nhận vụ kiện.
Theo các cáo buộc do tổ chức NGO này ghi nhận trong một bức thư mở, “mỗi ngày, chỉ riêng Meituan Waimai đã giao đi khoảng 20 triệu đôi dũa, tương đương 6.700 cây xanh trưởng thành. Trong 1 năm, lượng đũa này tương đương 2,5 triệu cây xanh bị đốn hạ… Nếu chúng ta tiếp tục đốn hạ cây cối với tốc độ này, còn bao nhiêu lâu nữa thì các khu rừng sẽ cạn kiệt?”.
Vụ kiện của Green Volunteer League là động thái đầu tiên chống lại các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến dựa trên các nền tảng môi trường. Bất kể tổ chức này có thắng kiện hay không, hành động này xứng đáng được cổ vũ để nâng cao nhận thức về ô nhiễm do các công ty giao hàng gây ra, làm gián đoạn hoạt động của các công ty đang gây tổn hại cho môi trường của Trung Quốc, và cho thấy sức mạnh của những cá nhân bình thường khi bảo vệ môi trường xung quanh họ.
So sánh hoạt động của các dịch vụ giao đồ ăn tại Trung Quốc với các đồng nghiệp tại các nước khác, tại Úc và mỹ, rất nhiều sản phẩm đồ ăn nhanh hamburger và sandwich được bọc trong giấy thấm dầu tự phân hủy sinh học, trong khi pizza được đóng gói vào các hộp bìa giấy có thể tái chế. Tuy nhiên, các đơn hàng giao tại Trung Quốc thường gồm nhiều món ăn, rất nhiều trong số này là đồ ăn ngập sốt và không phù hợp để gói trong giấy thấm dầu hoặc đóng vào các hộp bìa giấy. Thay vào đó, cách tiện dụng hơn là đóng gói vào các túi nhựa trong suốt rồi gộp vào túi polymer.
Tại Nhật Bản, một số doanh nghiệp thường dùng các hộp đựng đồ ăn, thay vì các loại hộp và dụng cụ dùng một lần. Khi thực khách dùng bữa xong, họ rửa các hộp đựng đồ ăn này và để ở ngoài cửa để những người vận chuyển đi qua và thu gom sau đó.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, các doanh nghiệp thường phải chiết khấu lớn hoặc khuyến mại để thuyết phục khách hàng sử dụng các dụng cụ đựng thực phẩm có thể tái chế. Trung Quốc có thể học hỏi từ mô hình của Nhật Bản nhưng sẽ tốn thời gian để người tiêu dùng nhận thức đủ về vấn đề môi trường. Rõ ràng tính giá tiền các vật dụng đựng đồ ăn và túi nhựa chẳng mang lại lợi ích gì cho kinh doanh: người tiêu dùng thường đặt đồ ăn với quan điểm hướng đến tính tiện dụng và tiết kiệm thời gian; họ thường không quan tâm tới việc trả thêm 1 – 2 tệ. Theo một khảo sát do Global Times tiến hành, 71,6% người trả lời cho biết họ không nhận thức về các vấn đề môi trường liên quan đến dịch vụ giao đồ ăn.
Tìm các giải pháp dài hạn, hiệu quả cho vấn đề này yêu cầu Trung Quốc phát triển các biện pháp xử lý rác thải thiết thực và triển khai các hệ thống phân loại rác có thể tái chế và không thể tái chế. Trung Quốc có 520.000 tấn rác thải hộ gia đình mỗi ngày. Khi tính thêm rác thải xây dựng, con số này tăng lên đến 1,4 triệu tấn, cao gấp 2 lần so với số rác thải tại Mỹ. Rác thải từ dịch vụ giao đồ ăn là một phần nhỏ trong vấn đề ô nhiễm đang ngày một trầm trọng tại Trung Quốc. Các thành phố của nước này chất đầy các túi rác, trong khi các hệ thống quản lý rác thải của Trung Quốc đang chật vật để xử lý vấn đề.
Các thành phố tại Trung Quốc đang ngày một cận kề với vấn đề không thể kiểm soát rác thải mà các cư dân tạo ra. Năm 2016, các báo cáo về xả rác thải khắp các biên giới địa phương đã dấy lên sự quan tâm của công chúng. Trong một nỗ lực giảm chi phí, hơn 20.000 tấn rác thải tại Thượng Hải được lén lút ra ra đảo Xishan gần Suzhou, tỉnh Giang Tô.
Nghiêm trọng hơn, rất nhiều rác thải nhựa bị xả thẳng ra đại dương, gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa đối với các hệ thống sinh thái đại dương. Theo dữ liệu của tập san Science, Trung Quốc là nước phải chịu trách nhiệm lớn nhất, cho gần 1/3 rác thải nhựa tại các đại dương. Các chất ô nhiễm này lọt vào chuỗi thức ăn của cá, rồi quay trở lại chuỗi thực phẩm cho người, dẫn đến những rủi ro về ung thư và khuyết tật ở trẻ sơ sinh.
Loại bỏ rác thải sẽ tiếp tục tạo ra nhiều vấn đề về quản lý trong tương lai gần tại Trung Quốc. Từ sản xuất và quá trình phân loại để xử lý rác thải và tái sử dụng, các mô hình quản lý kém hiệu quả đã thất bại trong việc bắt kịp với mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Rõ ràng, Trung Quốc không thể triển khai các hoạt động trên toàn quốc như một trường đại học tại miền Đông nước này đã cấm tất cả các dịch vụ giao đồ ăn vì các nguyên nhân môi trường.
Kiểm soát một vấn đề thông qua luật pháp và giáo dục thi thoảng có thể là một giải pháp hiệu quả hơn cố gắng cấm đoán. Để giảm rác thải phát sinh từ dịch vụ giao đồ ăn, người tiêu dùng Trung Quốc cần phải được thuyết phục rằng đơn hàng của họ không chỉ đơn thuần hoàn thành khi nó đến cửa nhà. Một khi đã thưởng thức xong, bạn vẫn có thể tái sử dụng các hộp đựng thực phẩm.
Điều 6 trong Luật Bảo vệ môi trường của Trung Quốc ghi rằng tất cả các đơn vị và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nhưng Zhou Ke, một giáo sư luật tại đại học Renmin, trong một bài phỏng vấn gần đây với Beijing News rằng luật này không được thực thi đầy đủ. Trong nhiều năm qua, các nỗ lực giải quyết vấn đề môi trường của Trung Quốc chủ yếu can thiệp hành chính và thất bại trong việc định rõ các trách nhiệm của doanh nghiệp và công chúng.
Nền tảng luật pháp này sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc dùng sức mạnh đối với các nhà bán thực phẩm và các sàn giao dịch vụ giao đồ ăn phải công bố thông tin rõ ràng về các nguy hại của việc sử dụng đũa dùng 1 lần và các vật đựng đồ bằng nhựa. Chính phủ cũng có thể buộc các doanh nghiệp sử dụng hộp đựng thực phẩm nhựa có thể tái chế và chuyển chi phí gia tăng này cho người tiêu dùng như cách họ hiện đang làm với các vật dụng không thể tái chế. Các nhà bán lẻ và các sàn giao dịch dịch vụ giao đồ ăn có thể bị buộc rời khỏi ngành nếu không tuân thủ các quy định này và thưởng cho những khách hàng lựa chọn không sử dụng vật dụng dùng 1 lần. Nếu tiếp tục hủy hoại môi trường như cách người Trung Quốc vẫn làm khi thưởng thức món lẩu giao tận nhà tiện lợi, một ngày nào đó, môi trường sẽ quay trở lại tấn công chính họ.
Theo World Economic Forum (gappingworld.com)