Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây điều trên cả nước đạt 297.498 ha (chưa tính 39.645 ha điều trồng trên đất rừng của Bình Phước), diện tích trồng mới đang tăng thêm hơn 4.000 ha.
Tuy nhiên, vùng nguyên liệu đang bị nghèo kiệt do diện tích cây điều già cỗi, ảnh hưởng sâu bệnh đang gia tăng nhanh ở nhiều địa phương; trong đó, có “thủ phủ” Bình Phước với 50.000 ha điều già cỗi cần được thay thế trồng mới.
Suy kiệt vùng nguyên liệu
Hiện cả nước đang có gần 300.000 ha điều; trong đó, các tỉnh Đông Nam bộ 183.655 ha, chiếm 61,7%. Năng suất điều bình quân cả nước năm 2017 đạt 7,4 tạ/ha, giảm 3,5 tạ/ha so với năm 2016. Theo đó, vùng Đông Nam bộ năng suất 7,8 tạ/ha, giảm 3,9 tạ/ha.
Nguyên nhân giảm năng suất do những tháng đầu năm 2017 đã xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa xảy ra vào giai đoạn điều nở bông làm ảnh hưởng đến năng suất. Nhưng có một thực tế ghi nhận được tại các địa phương có trồng điều đang bị suy kiệt vườn cây là do cây già cỗi đang gia tăng mạnh.
Cụ thể, khảo sát mới nhất cho thấy, diện tích điều già cỗi đang ngày càng mở rộng, cho năng suất thấp 80.000 ha ở Đông Nam bộ; trong đó, Bình Phước có diện tích điều già cỗi chiếm diện tích lên đến 50.000 ha, Đồng Nai 10.800 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 2.000 ha, Bình Thuận 12.800 ha và một số vùng Tây Nguyên như Gia Lai 3.700 ha, Đắk Nông 700 ha.
Phần lớn diện tích điều già cỗi trên là diện tích được quy hoạch, thuộc vùng sản xuất tập trung có điều kiện khí hậu, đất đai, cơ sở hạ tầng phù hợp cho phát triển cây điều. Nhưng sau nhiều năm canh tác, vườn điều già cho năng suất bình quân thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành điều trong khu vực nói chung và “ thủ phủ” điều Bình Phước nói riêng.
Tại Bình Phước, diện tích trồng điều của tỉnh là 134.170 ha, chiếm gần 50% diện tích trồng điều của cả nước với sản lượng đạt 150.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân vượt hơn 500 triệu USD.
Cây điều được xem là cây công nghiệp chủ lực để tỉnh thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Bình Phước xem đây là một trong sản phẩm đặc trưng của địa phương cần được xây dựng thành thương hiệu quốc gia.
Tuy nhiên, những năm gần đây ngoài chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường đã đe dọa đến ngành điều Bình Phước ngày càng suy kiệt rõ rệt, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn hộ gia đình đang làm kinh tế từ cây điều. Nặng nhất mùa vụ năm ngoái, trên 50% vườn điều bị thất thu là do bị ảnh hưởng thời tiết, bọ xít muỗi tấn công.
Bên cạnh đó, các vườn điều già cỗi, thiếu chăm sóc và giống cây bản địa cho năng suất thấp cũng là nguyên nhân kéo giảm sản lượng. Ngoài ra, giá cả cũng bị ảnh hưởng do chất lượng điều chưa cao là nguyên nhân dẫn đến sự bấp bênh cho ngành điều tỉnh này.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước Trần Văn Lộc cho biết, kết quả cuộc “ giải cứu” các vườn điều trước mùa vụ 2018 đã mang lại kết quả thay đổi rõ rệt cho mùa vụ 2018 dự báo đạt năng suất cao hơn năm ngoái.
Theo khảo sát mới nhất của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, sau khi “giải cứu” các vườn điều trên địa bàn đã có dấu hiệu phục hồi sinh trưởng tốt với khoảng 40% diện tích cây điều đang phát triển tốt và cho năng suất cao hơn năm ngoái nhờ thời tiết năm nay diễn biến thuận lợi và bà con đã áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng điều năm nay đã nâng lên.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, hiện vẫn còn đến 20% diện tích điều chưa thể phục hồi; trong đó, diện tích già cỗi ngày càng mở rộng với diện tích lên tới 50.000 ha. Đây là diện tích cho năng suất kém cần được thay thế giống mới. Do đó, cần có thêm sự hỗ trợ thông qua một dự án hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho nông dân trồng điều Bình Phước.
Cần giải pháp lâu dài
Để tiếp tục hỗ trợ cây điều ổn định năng suất, chất lượng và đầu ra sản phẩm, mới đây UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các huyện, thị xã quy hoạch tổ chức sản xuất thâm canh, cải tạo, tái canh diện tích già cỗi và năng suất thấp bằng các giống mới cùng với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến.
Đồng thời, gắn với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tác động của thời tiết, sâu bệnh đến năng suất cây điều. Ngoài ra, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp tạo môi trường thuận lợi cho ngành điều phát triển ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, phát triển ngành điều theo hướng tập trung, chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết với quy mô lớn. Cùng với việc xây dựng và hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất, chuyên canh cây điều, các đơn vị cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người trồng điều để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và tạo vùng nguyên liệu bền vững.
Cùng đó là kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết, hợp tác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.
Tại cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã kiến nghị Bộ và Chính phủ hỗ trợ tỉnh Bình Phước nói riêng và các tỉnh Đông Nam bộ nói chung. Theo đó, định hướng phát triển cây điều đến năm 2020, tỉnh có nhu cầu tái canh 25.000 ha và thâm canh hơn 41.000 ha.
Để thực hiện được, tỉnh cần với kinh phí đầu tư thâm canh 10 triệu đồng/ha và tái canh 20 triệu đồng/ha nhưng tỉnh hiện gặp khó khăn về kinh phí. Do đó, Bình Phước đề xuất cho vay không lãi suất mà nếu có lãi thì thời gian trả từ 3-10 năm đối với tái canh và thâm canh cây điều. Bên cạnh đó, Bình Phước cũng đề xuất có một dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng để xây dựng nhà máy chế biến tiêu tại tỉnh; đào tạo lại người nông dân đổi mới về sản xuất để duy trì ổn định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ sẽ xem xét đề xuất cụ thể từ địa phương và sẽ có một giải pháp lâu dài để xây dựng vùng nguyên liệu điều phát triển bền vững. Bên cạnh đó, định hướng các giải pháp cần quan tâm về xây dựng cơ sở hạ tầng, khoa học - kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất. Đồng thời, sẽ quan tâm cải tạo, thâm canh và lựa chọn giống để phát triển ngành điều theo hướng bền vững.
“Các đơn vị liên quan phối hợp đề xuất xây dựng và thực hiện đề án hỗ trợ chính sách về phát triển những cây công nghiệp như điều, hồ tiêu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, ưu tiên trước mắt là cây điều đang ngày càng suy kiệt do bị già cỗi và ảnh hưởng sâu bệnh đang đe dọa đến công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng đất “thủ phủ” này”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu./.
Theo TTXVN