Cây điều có nguồn gốc từ Braxin, du nhập vào miền Nam Việt Nam vào thế kỷ thứ 18, nhưng đến năm 1975, cây điều mới chính thức có tên trong danh mục cây trồng ở Bình Phước. Từ năm 1975, cây điều bắt đầu được trồng nhiều và trở thành cây “Xóa đói giảm nghèo” và làm giàu cho người nông dân, đặc biệt là người đồng bào Stiêng, Khmer ở khu vực miền núi của tỉnh Bình Phước. Đến nay, Bình Phước được mệnh danh là “thủ phủ điều” của Việt Nam. Sản phẩm đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước gồm có hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân, hạt điều rang muối.
Hạt điều nguyên liệu Bình Phước chắc, mẩy, cuống hạt phình to, bề mặt vỏ cứng sáng, mịn, bóng, lắc hạt ít kêu hoặc không kêu, thân hạt điều nguyên liệu dày, kích thước bề dày từ 14,5mm - 18mm, tỷ lệ nhân thành phẩm thu hồi không nhỏ hơn 30% tính theo khối lượng, số lượng không lớn hơn 200 hạt/kg, khối lượng hạt từ 5g/hạt - 6g/hạt.
Hạt điều nhân là phần thu được của hạt điều nguyên liệu sau khi gia nhiệt, tách vỏ cứng, sấy khô, bóc vỏ lụa và phân loại. Hạt điều nhân Bình Phước đồng màu, màu trắng, vàng nhạt hoặc ngà nhạt, nhân điều có dáng thẳng, phình ra 2 bên, bề dày từ 10,6 mm - 13,1 mm, bề mặt nhân nhẵn, mịn, bóng.
Hạt điều rang muối là phần nhân của hạt điều nguyên liệu có vỏ lụa hoặc không có vỏ lụa, được xử lý nhiệt bằng phương pháp rang và sử dụng muối làm chất phụ gia. Sản phẩm hạt điều rang muối có hai loại: có vỏ lụa hoặc không có vỏ lụa. Hạt điều rang muối Bình Phước có đặc điểm khi tách đôi nhân hạt điều thấy khe hở giữa nhỏ, không có muối đọng. Hàm lượng chất béo không nhỏ hơn 43%, hàm lượng carbohydrat lớn hơn 23%. Hàm lượng chất béo và hàm lượng carbohydrat cao lý giải cho đặc điểm hạt điều rang muối Bình Phước có vị ngọt, thơm, béo ngậy.
Những tính chất, chất lượng đặc thù của hạt điều Bình Phước có được là do điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý phù hợp với sự phát triển của cây điều và kinh nghiệm đã được tích lũy qua quá trình canh tác, chế biến của người dân bản địa.
Khu vực địa lý bao gồm: Xã Bù Gia Mập, xã Đăk Ơ, xã Đức Hạnh, xã Phú Văn, xã Đa Kia, xã Phước Minh, xã Bình Thắng và xã Phú Nghĩa thuộc huyện Bù Gia Mập; Xã Phú Riềng, xã Phú Trung, xã Bù Nho, xã Long Tân, xã Long Hà, xã Long Bình, xã Long Hưng, xã Bình Sơn, xã Bình Tân, xã Phước Tân thuộc huyện Phú Riềng; Xã Phước Tín, xã Long Giang, phường Long Thủy, phường Thác Mơ, phường Sơn Giang, phường Long Phước, phường Phước Bình thuộc thị xã Phước Long; Xã Đường 10, xã Đăk Nhau, xã Phú Sơn, xã Thọ Sơn, xã Bình Minh, xã Bom Bo, xã Minh Hưng, xã Đoàn Kết, xã Đồng Nai, xã Đức Liễu, xã Thống Nhất, xã Nghĩa Trung, xã Nghĩa Bình, xã Đăng Hà, xã Phước Sơn và thị trấn Đức Phong thuộc huyện Bù Đăng; Xã Tân Thành, xã Tân Tiến, xã Thanh Hòa, xã Thiện Hưng, xã Phước Thiện, xã Hưng Phước và thị trấn Thanh Bình thuộc huyện Bù Đốp; Xã Thuận Lợi, xã Đồng Tâm, xã Tân Phước, xã Tân Hưng, xã Tân Lợi, xã Tân Lập, xã Tân Hòa, xã Thuận Phú, xã Đồng Tiến, xã Tân Tiến và thị trấn Tân Phú thuộc huyện Đồng Phú; Xã Lộc Hòa, xã Lộc An, xã Lộc Tấn, xã Lộc Thạnh, xã Lộc Hiệp, xã Lộc Thiện, xã Lộc Thịnh, xã Lộc Thuận, xã Lộc Quang, xã Lộc Phú, xã Lộc Thành, xã Lộc Thái, xã Lộc Điền, xã Lộc Hưng, xã Lộc Khánh và thị trấn Lộc Ninh thuộc huyện Lộc Ninh; Xã Thanh An, xã An Khương, xã Tân Hưng, xã Tân Lợi thuộc huyện Hớn Quản; Xã Quang Minh và xã Minh Lập thuộc huyện Chơn Thành; Xã Thanh Lương và xã Thanh Phú thuộc thị xã Bình Long; Xã Tân Thành, Xã Tiến Hưng, xã Tiến Thành, phường Tân Phú, phường Tân Đồng, phường Tân Bình, phường Tân Xuân, phường Tân Thiện thuộc thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.Thời vụ trồng cây điều từ tháng 6 đến cuối tháng 7. Kinh nghiệm canh tác người trồng điều ở Bình Phước là chọn nhóm đất đỏ vàng, đất trồng nằm ở độ cao dưới 600m so với mặt nước biển, không bị úng hay nhiễm mặn. Hố trồng cây điều phải được chuẩn bị xong 1 tháng trước khi trồng. Thời gian thu hoạch hạt điều Bình Phước từ tháng 2 đến tháng 6 và chậm nhất 03 ngày kể từ ngày quả rụng, người dân phải tiến hành thu hoạch.
Theo chinhphu.vn