Ngành chỉ đạo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cùng các viện, trung tâm vùng, phối hợp với nhiều đơn vị liên quan đẩy mạnh sản xuất điều giống, đảm bảo cung cấp đủ giống điều tiêu chuẩn cho diện tích trồng mới, tạo vùng nguyên liệu mạnh. Ngoài việc quy vùng và xác định đúng vùng điều hàng hoá tập trung, các địa phương, đơn vị đã đầu tư chọn lọc cây điều mẹ đầu dòng trên các vùng sản xuất điều chủ yếu để tạo các dòng điều địa phương, dòng điều nhập nội, từng bước làm phong phú thêm nguồn giống điều cả nước. Đây là cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng cây điều đưa năng suất điều bình quân từ 11 tạ/ha hiện nay lên 13,9 tạ/ha năm 2010. Đến nay, các doanh nghiệp, viện trung tâm và trang trại sản xuất giống điều đã cung ứng cho người sản xuất hàng triệu cây giống điều cao sản, chủ yếu là cây giống ghép, đưa diện tích điều cao sản chiếm hơn 30% tổng diện tích điều hiện nay có góp phần làm thay đổi vùng điều nước ta, không còn tình trạng "thả nổi" như trước đây. Ngoài việc đưa vào nguồn gien hàng chục dòng điều địa phương, hàng chục dòng điều nhập nội, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam còn nhập nội và trồng thử nghiệm giống điều tốt, năng suất cao, chất lượng hạt tốt của Thái Lan để từng bước đưa vào bộ giống điều tốt của nước ta. Bình Phước là tỉnh có diện tích, sản lượng điều lớn nhất nước, đạt hơn 120 ngàn ha, cơ ngơi phục vụ cho ngành điều khá nổi trội, đã hỗ trợ 50% kinh phí về cây giống cao sản, để nông dân trong vùng quy hoạch vùng nguyên liệu, trồng phủ xanh 30.000 ha đồi trọc, đất trống từ nay đến năm 2015. Đến nay, năng suất điều của Bình Phước đã lên 12 tạ/ha, khả năng sản lượng hạt điều thô của tỉnh đạt 120.000 tấn là trong tầm tay. Tỉnh Đắc Lắc, vùng điều triển vọng phấn đấu đến năm 2010 đưa diện tích điều tăng lên 50.000 ha chủ yếu là điều ghép, cao sản, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho 10 nhà máy chế biến điều, với tổng công suất từ 60.000 đến 70.000 tấn/năm.
Hiệp hội Cây điều Việt Nam đã hướng dẫn, động viên các địa phương, nhất là vùng điều trọng điểm, đầu tư, mở rộng, hoàn thiện hàng trăm nhà máy chế biến hạt điều theo các công nghệ mới, phù hợp với nhiều thị trường khó tính. Trong đó, nhiều nhà máy lớn do doanh nghiệp nhà nước quản lý đã trang bị thêm máy dò tìm kim loại, lưới đèn, máy khử trùng, tạo mặt bằng, cơ sở sản xuất khang trang, bảo đảm chất lượng sản xuất theo yêu cầu của từng thị trường. Riêng tại vùng Đông Nam bộ, nơi tập trung cây điều, đã quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp hướng về nông thôn, chủ yếu là chế biến nông sản. Tỉnh Bình Phước hình thành khu công nghiệp Chơn Thành, đã xây dựng thêm 2 khu công nghiệp tại huyện Phước Long và Bù Đăng, tập trung cho chế biến điều và cao su tiểu điền, trong đó có 128 doanh nghiệp chế biến điều, mỗi vụ đảm bảo chế biến hơn 60% sản lượng điều trên địa bàn. Riêng huyện Phước Long và Bù Đăng, vùng trọng điểm điều của tỉnh, thường vào vụ điều có khoảng 300 đại lý hoạt động khắp hang cùng, ngõ hẻm, vùng sâu, vùng xa, thu mua điều cho các doanh nghiệp chiếm khoảng 50% số đại lý của toàn tỉnh. Đây cũng là "con dao hai lưỡi", nếu không khéo quản lý sẽ phát sinh những bất cập về giá, những rối rắm về chất lượng sản phẩm và những thiệt thòi cho người sản xuất, mà người hứng chịu là nông dân.
Như vậy, đến bây giờ, với vị thế là thành viên của WTO, trên các vùng điều cả nước đã bắt đầu tạo ra một cung cách làm ăn mới, động lực mới và niềm hi vọng mới. Bởi, dù sao đi nữa, đường đi tới 140.000 tấn điều nhân xuất khẩu năm 2007 này và hơn 600.000 tấn hạt điều thô vào năm 2010 cũng đã rõ./.