Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mở cửa nền kinh tế, cơ hội xuất khẩu thủy sản của Myanmar rộng mở
14 | 05 | 2018
Đất nước Đông Nam Á Myanmar vẫn còn chưa được biết đến trên bản đồ thủy sản thế giới. Với dân số 53 triệu người, đông hơn Hàn Quốc và Canada, và có hơn 2.000km bờ biển, theo World Resources Institute, tiềm năng sản xuất thủy sản của Myanmar rất lớn. Nhưng chính quyền quân sự cầm quyền từ năm 1962 đến 2011 đã hạn chế thương mại quốc tế của nước này và kết quả là thương mại thủy sản của Myanmar tụt hậu 20 – 25 năm so với các nước thành viên ASEAN khác, theo nhận định của ông Willem van der Pijl, giám đốc Seafood Trade Intelligence Portal.

Van der Pijl, chuyên gia hợp tác với các công ty và đại diện thương mại tại Myanmar từ khi nước này mở cửa thương mại quốc tế năm 2012, cho biết ông tin rằng Myanmar có tiềm năng rất lớn trong phát triển trở thành một trung tâm thủy sản trong những năm tới.

“Tại Myanmar, có quá nhiều thứ đề cập đến hiện nay nhưng tất cả mới chỉ là tiềm năng và chưa có nền tảng thực sự. Đất nước này còn gặp nhiều vấn đề và hiện cơ sở hạ tầng không thực sự thuận lợi cho sự phát triển của ngành thủy sản. Nhưng phần lớn doanh nghiệp Myanmar đều muốn tham gia thị trường quốc tế và một số nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể nhận ra tiềm năng rất lớn tại đây”, ông nhận định.

Siegfried Bank, một chuyên gia thủy sản tại Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), một nhánh của Bộ Ngoại giao Hà Lan, cho rằng nền kinh tế Myanmar thực ra chưa bao giờ đóng cửa hoàn toàn, nhưng đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài, các công ty phương Tây nhận thấy tính khả thi trong làm kinh doanh tại đây. “Myanmar rộng lớn ngang với nước Pháp và có nguồn lực dồi dào lẫn cơ hội lớn cho nuôi trồng thủy sản. Hiện vẫn là giai đoạn chính phủ đang đánh giá tổng thể các nguồn lực”, ông Bank cho biết “Thách thức lớn nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng từ nền móng. Nhưng điều tôi đánh giá rất cao tại Myanmar là các công ty có động lực rất lớn để đáp ứng mọi yêu cầu của thị trường, từ nhãn hiệu, vấn đề vệ sinh, đến các khía cạnh bền vững. Tôi không nói rằng mọi thứ sẽ hoàn hảo ngay lập tức nhưng rõ ràng sự cởi mở với việc xem xét và theo đuổi các tiến bộ ở đây mạnh hơn tôi từng trải qua ở bất cứ nơi nào khác”.

Từ năm 2016, CBI đã hợp tác với Myanmar để mở rộng hiểu biết thị trường và tăng cường năng lực cho nước này, bao gồm tập huấn tại địa bàn và hỗ trợ nước này tham gia Triển lãm Thủy sản Toàn cầu tại Brussels, Bỉ, theo quản lý dự án CBI Hugo Verhoeven cho biết. “CBI đã nỗ lực đóng vai trò thông tin tới cho các nhà chức trách và các công ty về các hình thái của thị trường EU, và mang lại cơ hội xuất hiện trên thị trường quốc tế cho các nhà xuất khẩu Myanmar”, ông Verhoeven  cho hay.

Myo Nyunt, giám đốc điều hành của công ty thủy sản General Food Technology Industry Co., có trụ sở tại Yangon, và thư ký Hiệp hội các nhà chế biến – xuất khẩu thủy sản Myanmar cho biết tại Triển lãm Thủy sản Toàn cầu 2018 rằng CBI, cùng với Tổ chức Phát triển Quốc tế Đức GIZ là cánh cửa cho ngành thủy sản Myanmar ra thị trường thế giới. “Các nỗ lực của CBI trong tổ chức ngành, giúp chúng tôi nhìn thấy những gì mình cần phải làm để lấp đầy khoảng cách, là cực kỳ quan trọng”, ông Nyunt cho biết. “Chúng tôi thực sự đánh giá cao tất cả sự giúp đỡ này do chúng tôi đang nỗ lực đuổi kịp và muốn tạo ra một nền kinh tế tốt hơn”.

Mở rộng xuất khẩu thủy sản Myanmar vào châu Âu là mục tiêu cơ bản của hiệp hội, nhưng Myanmar vẫn đối diện với những hạn chế do chính EU đặt ra từ năm 2006, theo đó chỉ cho phép nhập khẩu thủy sản đông lạnh, khai thác tự nhiên vào EU. Ông Nyunt cho biết Bộ Thủy sản của Myanmar lên một kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề thiếu an toàn thực phẩm theo báo cáo kiểm định từ năm 2009 và đưa vào Kế hoạch Giám sát Dư lượng Quốc gia. Các hành động này được cho là sẽ đủ mạnh để xóa bỏ những hạn chế thương mại hiện nay và kỳ vọng đợt kiểm định dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2018  sẽ thúc đẩy Ủy ban châu Âu cho phép nhập khẩu thủy sản nuôi trồng từ Myanmar. “Hy vọng trong tháng 9/2018, mọi việc sẽ được giải quyết”.

Năm 2017, Myanmar đã xuất khẩu 40.000 tấn thủy sản trị giá 710 triệu USD nhưng ông Nyunt cho rằng đây chỉ là một phần nhỏ so với tiềm năng của Myanmar. Nhờ ngành thủy sản Myanmar đang được hiện đại hóa, ông Nyunt và Bank xác định rằng tôm, cá rô phi, cá chép và cua lột là những loài có triển vọng tăng trưởng xuất khẩu tốt nhất. Hiện 20% sản xuất thủy sản của Myanmar là tômvà ông Nyunt cho rằng tôm sú lớn của Myanmar sẽ ngày càng được ưa chuộng tại châu Âu và các thị trường khác. “Nhu cầu đã có và công ty chúng tôi có tôm. Nhưng tất nhiên chúng tôi chỉ có thể biến điều này thành hiện thực nếu có cơ hội”.

Bên cạnh EU, các thị trường khác mà Myanmar đang nhắm đến là Mỹ, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc, theo ông Tint Wai, nhà tư vấn quốc gia cấp cao tại Cơ quan Dự án Phát triển Thương mại Thủy sản Myanmar cho hay. Wai cho biết ông muốn nhìn thấy xuất khẩu thủy sản Myanmar trở nên đa dạng về thị trường và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. “Chúng tôi biết các thị trường này đều lớn, có giá tốt, và nhu cầu cũng rất cao. Chúng tôi đang cố gắng phát triển quy trình tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của EU. Chúng tôi đang thay đổi các phương pháp truyền thống để nỗ lực thích ứng với các yêu cầu của EU và đang hoạt động rất tích cực bởi chúng tôi đang bị lạc hậu rất nhiều năm so với khu vực”.

Năm 2017, sau năm đầu tiên góp mặt tại Triển lãm Thủy sản Toàn cầu, ông Wai cho biết ông ngạc nhiên khi thấy nhiều nhà nhập khẩu EU tới Myanmar và tới thăm các công ty tại đây. Nhìn thấy triển vọng này, ông Nuynt cho biết chính phủ và các công ty tư nhân đang hợp tác chặt chẽ cùng với các tổ chức như STIP, CBI và GIZ để vượt qua những trở ngại về pháp lý tại EU nhưng nhiều người trong ngành thủy sản Myanmar đã có tham vọng lớn hơn. “Đồng thời, nhiều công ty đã đang xuất khẩu dựa trên các mối quan hệ lâu năm với đối tác. Chúng tôi đang xuất khẩu rất nheièu nguyên liệu thô nhưng trong tương lai, chúng tôi sẽ dấn sâu hơn vào phân khúc GTGT”.

Nhưng những tham vọng này đang bị thử thách bởi những sự kiện chính trị xã hội hiện nay tại Myanmar. Năm 2017, Myanmar từng là tâm điểm chú ý do động thái của chính phủ nước này với cộng đồng người thiểu số Rohingya. Theo ông van der Pijl của STIP, mối đe dọa của các lệnh trừng phạt đối với Myanmar hiện là nỗi lo của các công ty quốc tế hoạt động tại nước này. Nhưng ông cho rằng duy trì các quan hệ thương mại với Myanmar là quan trọng cho sự phát triển của nước này. “Điều quan trọng là tiếp tục thương mại với Myanmar để tiếp tục đối thoại. Cộng đồng quốc tế nên tiếp tục gây áp lực lên nước này nhưng không nên rút khỏi hoàn toàn do động thái đó có thể khiến toàn cục trở nên tồi tệ hơn. Phần lớn doanh nghiệp Myanmar muốn tham gia các thị trường quốc tế và các thảo luận kinh thế thường là những điều có thể thuyết phục được”.

Theo Seafood Source (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường