Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng tôm nước lợ cả nước 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 176.000 tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 85.800 tấn, sản lượng tôm thẻ ước đạt 90.200 tấn.
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sản lượng tôm sú ước đạt 68.600 tấn, tăng 6,2%; sản lượng tôm thẻ ước đạt 72,2 nghìn tấn, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Việc sản lượng tăng trong khi xu hướng giá tôm giới giảm đã gây áp lực lên giá mặt hàng thủy sản này từ đầu năm tới nay.
Trong tháng, giá tôm thẻ chân trắng tiếp tục giảm, loại 60-70 con/kg hiện chỉ còn ở mức 100.000-110.000 đồng/kg. Trước đó, giá mặt hàng này đạt hơn 120.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giảm từ khoảng 90.000 đồng/kg xuống còn chỉ khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.
Đặc biệt đối với loại cỡ tôm từ 70 - 100 con/kg đang phải chịu mức giá giảm mạnh nhất, giảm 30.000 đ/kg so với thời điểm đầu năm.
Giá tôm thẻ chân trắng giảm do ảnh hưởng bởi xu hướng thế giới giảm. Một số nước xuất khẩu tôm trên thế giới đã giảm giá bán để cạnh tranh.
Trong khi đó, giá bán tôm sú vẫn khá ổn định ngay từ đầu năm. Hiện, tôm sú loại 30 con/kg có giá 205.000 - 225.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 150.000 - 165.000 đồng/kg.
Tôm Việt chịu áp lực từ nguồn cung thế giới thế giới tăng
Theo dự báo của nhóm nghiên cứu về thị trường tôm tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC), sản lượng tôm của các nước sản xuất chính trên thế giới sẽ phục hồi, vượt mức 3,5 triệu tấn trong năm nay, vượt đỉnh 10 năm qua. Sản lượng tôm tăng chủ yếu do nguồn cung từ các nước xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Indonesia hay thậm chí cả Việt Nam.
Cụ thể, GSMC ước tính sản lượng tôm của Ấn Độ có thể đạt 697.000 tấn niên vụ 2017/2018. Sản lượng tôm của Ecuador dự kiến tăng từ 469.000 tấn năm 2017 lên 531.000 tấn năm 2018. Sản lượng tôm Trung Quốc được dự báo tăng từ mức đáy năm 2017 là 525.000 tấn lên 625.000 tấn năm 2018. Sản lượng tôm của Indonesia trong năm 2018 có thể tăng lên 335.000 tấn.
Giá tôm nhiều nước trên thế giới đồng loạt giảm từ đầu năm tới nay. Tại Ấn Độ, giá tôm ở thị trường này liên tục giảm do phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Đặc biệt, thị trường sản phẩm tôm nguyên liệu giao ngay chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ từ đợt giảm giá này. Giá tôm chân trắng cỡ 50 con, còn đầu còn vỏ Ấn Độ tại bờ giảm xuống 270-280 rupee/kg (4,04-4,20 USD/kg). Mức giá này thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất. Hầu hết người nuôi tôm ở Andhra Pradesh và Orissa đang lỗ từ 20-30 rupee/kg trong vụ nuôi đầu tiên
Tại Indonesia, công ty xuất khẩu tôm Central Proteina Prima cũng đang gặp khó khăn khi giá tôm thế giới gần chạm đáy. Theo Giám đốc công ty này ông Arianto Yohan, các nhà nhập khẩu Mỹ đang yêu cầu giảm giá 10-20%.
Giá tại đầm tôm Indonesia hiện đạt 4,89-5,04 USD/kg đối với tôm chân trắng HOSO cỡ 50 con. Người nuôi Indonesia có thể giảm lượng thả nuôi do giá thấp. Họ có thể thả nuôi chậm hơn một tháng hoặc giảm mật độ thả nuôi.
Trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu giảm sâu, các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam cũng không dám mua vào vì các nhà nhập khẩu giảm mua. Giá xuất khẩu đã giảm tới 20% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn khó bán vào thị trường Mỹ vì người mua nghĩ giá sẽ giảm nữa. Hơn nữa, trên thị trường Mỹ, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ bán giảm giá. Giá tôm nhập khẩu trung bình của Ấn Độ vào Mỹ đạt 9,9 USD/kg trong quý I/2018 trong khi giá trung bình tôm Việt Nam vào thị trường này lên tới 11,4 USD/kg.
Các chuyên gia dự đoán, sang quý III, các nhà máy trong nước tăng cường mua nguyên liệu cùng với nhu cầu “ấm lên” từ các thị trường nhập khẩu, giá tôm sẽ bắt đầu tăng lên. Nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ được dự báo vẫn tốt với niềm tin tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế tích cực. Nhập khẩu tôm của các thị trường chính cũng được dự báo sẽ tăng trong cuối quý II hoặc đầu quý III năm nay.
Nguồn: Vietnambiz.vn