Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải bài toán khó của ngành chè Việt
17 | 08 | 2018
Là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, giá chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ bằng một nửa giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới.

Giảm cả giá trị và sản lượng

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu chè của Việt Nam trong 7 tháng qua giảm cả về giá trị và sản lượng.

Chè Việt hiện đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60 - 70% giá chè thế giới. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu chè 7 tháng qua ước đạt 67.000 tấn, tương đương 109 triệu USD, giảm gần 13% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm này là do sự suy giảm liên tục tại các thị trường chính, do đó dù một số thị trường khác có tăng trưởng nhưng vẫn không đủ bù đắp.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2018, Pakistan, thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam đã giảm gần 29% về lượng so với cùng kỳ năm 2017. Xếp thứ hai là thị trường Nga, chiếm 13% thị phần, cũng đã giảm đến 1.230 tấn. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất giảm 1.190 tấn và Indonesia giảm 427 tấn.

Với 124.000 ha diện tích trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến, Việt Nam hiện đã xuất khẩu chè vào hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những con số biết nói đó chưa thể giúp ngành chè phát triển ổn định khi từ năm 2017 đến nay, gần như thị trường xuất khẩu chè có xu hướng đi xuống. Việc thị trường chè toàn cầu đang ở mức bão hòa là một nút thắt cho xuất khẩu chè của Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó chủ tịch chè Việt Nam cho hay ngành chè đang rất xáo động do tác động của việc thay đổi tỷ giá. "Hơn một tháng nay bán chè rất khó do đồng USD quá cao, đè nặng lên doanh nghiệp trong nước. Bán chè chậm nhưng doanh nghiệp vẫn phải sản xuất, mua chè cho nông dân", bà Hồng cho hay.

Giải bài toán chất lượng

Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, với hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến chè với công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ bằng một nửa giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới.

Tuy nhiên hiện nay, vấn đề thuốc bảo vệ thực vật cũng đang là rào cản trong xuất khẩu chè. Mặc dù các doanh nghiệp làm đúng quy trình, liều lượng như trên mác sản phẩm nhưng vẫn bị rơi vào trường hợp dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định.

Một số nơi thuốc không như những gì trên mác, doanh nghiệp làm đúng quy trình nhưng vẫn bị dư lượng thuôc thực vật cao. Trong khi đó, một số thị trường nhập khẩu chè dễ tính của Việt Nam như Pakistan cũng đã bắt đấu siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ thực vật.

Để đẩy mạnh xuất khẩu chè trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè cần đầu tư sâu hơn nữa vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chè, đặc biệt là quan tâm sát sao đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè để có thể thay đổi được hình ảnh chè Việt, cũng như khẳng định được vị thế trên trường quốc tế.

Các doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến sâu sản phẩm chè, phối trộn với các thứ nước uống khác để tạo nên hương vị đa dạng, giảm lượng cafein và các chất gây tác dụng phụ trong chè, để bắt kịp sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng chè trên thế giới.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp



Báo cáo phân tích thị trường