Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu bất chấp sản lượng chè tăng
02 | 06 | 2018
Sản xuất chè đen toàn cầu dự báo tăng trưởng hàng năm 2,2%/năm trong thập kỷ tới, trong khi tăng trưởng sản lượng chè xanh dự báo đạt 7,5%/năm. Nhưng chè rất nhạy cảm trước những thay đổi trong điều kiện sản xuất – và nhiều nước trồng chè sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu”, theo báo cáo mới nhất của FAO nhận định.

Nhóm công tác liên chính phủ của FAO về chè tư vấn cho các nước sản xuất chè nên cân nhắc về biến đổi khí hậu như một phần trong các chiến lược phát triển ngành chè quốc gia. Các đợt lũ lụt và hạn hạn hiện đang tác động tới năng suất, chất lượng và giá chè thế giới.

Sản xuất chè thế giới

Sản lượng chè đen thế giới dự báo tăng trưởng hàng năm 2,2%/năm trong thập kỷ tới và đạt 4,4 triệu tấn vào năm 2027, phản ánh dự báo sản lượng tăng tại Trung Quốc, Kenya và Sri Lanka.

Sản lượng chè xanh thế giới dự báo tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều 7,5%/năm và chạm mức 3,6 triệu tấn vào năm 2027, chủ yếu nhờ tăng sản lượng tại Trung Quốc – với dự báo sản lượng chè xanh của Trung Quốc tăng gấp đôi từ 1,5 triệu tấn trong giai đoạn 2015-17 lên 3,3 triệu tấn vào năm 2027. Tăng trưởng sản xuất chè xanh có thể xuất phát từ tăng năng suất hơn là mở rộng diệnt ích: tái canh các giống chè năng suất cao hơn và các thực hành canh tác tốt hơn. Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng sản lượng chè xanh với tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng năm đạt 6,8%/năm.

Tăng trưởng sản xuất chè chủ yếu bắt nguồn từ nhu cầu đối với chè tăng. Tiêu dùng chè đang tăng nhanh tại Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác, nhờ thu nhập tăng và các sản phẩm chất lượng cao như các loại chè thảo mộc, chè hương hoa quả và các loại chè tẩm ướp. Tác dụng đối với sức khỏe của chè cũng được đánh giá cao hơn các loại đồ uống khác.

Tăng sản xuất – tiêu dùng chè tạo ra cơ hội tăng thu nhập cho khu vực nông thôn và cải thiện an ninh lương thực tại các nước sản xuất chè, theo nhận định của FAO. Nhưng FAO cũng cảnh báo những rủi ro đối với ngành chè – gắn với sinh kế – do biến đổi khí hậu. “Trồng chè thương phẩm bị giới hạn về mặt địa lý chỉ ở một số khu vực cụ thể trên thế giới, khiến hoạt động sản xuất chè gặp rủi ro trước biến đổi khí hậu. Do đó, việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu đang tăng sẽ không còn dễ dàng như trước đây, đặc biệt là hạn chế về mức độ sẵn có đất đai phù hợp cho trồng chè”.

Cây chè rất nhạy cảm trước sự thay đổi trong môi trường. “Sản xuất chè rất nhạy cảm trước những thay đổi về điều kiện trồng. Chè chỉ có thể được trồng trong các điều kiện nông nghiệp – sinh thái cụ thể rất hạn hẹp, do đó, chỉ một số lượng hạn chế các nước sản xuất chè – nhiều nước trong số này sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu”.

“Những thay đổi về nhiệt độ và diễn biến mưa, với nhiều đợt hạn hán và lũ lụt hơn, vốn đã đang tác động lên năng suất, chất lượng chè và giá chè, làm giảm thu nhập và đe dọa sinh kế nông thôn”.

“Những biến đổi khí hậu này được dự báo sẽ nghiêm trọng, kêu gọi những biện pháp ứng phó khẩn cấp. Đồng thời, nhận thức về sự cần thiết đóng góp giảm nhẹ biến đổi khí hậu ngày càng tăng, thông qua giảm phát thải carbon từ sản xuất và chế biến chè”.

“Do đó, chúng tôi kêu gọi các nước sản xuất chè đưa các thách thức biến đổi khí hậu, cả về ứng phó và giảm nhẹ, vào các chiến lược phát triển ngành chè quốc gia”.

Sản xuất chè thế giới

Sản xuất chè thế giới (đen, xanh, uống liền và các loại chè khác) đã tăng trưởng hàng năm 4,4%/năm trong thập kỷ qua, chạm mức 5,73 triệu tấn trong năm 2016.

Trung Quốc là động lực tăng sản lượng chè mạnh nhất thế giới – sản xuất chè tại nước này đã tăng gấp đôi từ 1,17 triệu tấn vào năm 2007 lên 2,44 triệu tấn trong năm 2016, do nhu cầu nội địa tăng trưởng mạnh. Trung Quốc chiếm khoảng 42,6% tổng sản lượng chè toàn cầu (2,44 triệu tấn trong năm 2016), Ấn Độ đứng thứ hai với 1,27 triệu tấn.

Theo Food Navigator (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường