Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 160,9 điểm trong tháng 7/2018, giảm gần 6 điểm, tương đương 3,6% so với tháng 6 và giảm 1,3 điểm, tương đương 0,8% so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu lúa mỳ, ngô và gạo đồng loạt giảm trong tháng 7 là nguyên nhân chính. Giá lúa mỳ trên thị trường quốc tế giảm trong suốt nửa đầu tháng 7, nhưng những lo ngại về triển vọng sản xuất tại EU và Nga đã bắt đầu đẩy giá chào bán tăng dần về cuối tháng. Trên các thị trường ngũ cốc thô, giá ngô tiếp tục gặp áp lực giảm, chủ yếu là do nhu cầu yếu và triển vọng sản xuất tích cực tại Mỹ. Tuy nhiên, tương tự như thị trường lúa mỳ, giá ngô tăng dần về cuối tháng do những lo ngại về thời tiết và tốc độ xuất khẩu tăng lên. Giá gạo quốc tế cũng giảm, chủ yếu do nhu cầu yếu đối với gạo Indica và gạo thơm, cũng như những biến động tỷ giá tại các nước xuất khẩu gạo lớn.
Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt trung bình 141,9 điểm trong tháng 7, giảm 4,2 điểm, tương đương 2,9% so với tháng 6 và là tháng giảm giá thứ 6 liên tiếp và là mức thấp nhất trong vòng 2,5 năm. Đợt suy giảm mới nhất này phản ánh giá dầu cọ và dầu đậu tương giảm. Giá dầu cọ quốc tế giảm sâu do tác động của nhu cầu xuất khẩu yếu, tồn kho cao tại các nước sản xuất tốt, và dự báo nguồn cung tăng trong những tuần sắp tới. Đối với dầu đậu tương, giá giảm chủ yếu do tác động lan tỏa của thị trường đậu tương yếu đi và tỷ lệ chế biến cao liên tục tại Mỹ, chủ yếu do biên lợi nhuận từ chế biến đậu tương vẫn cao. Trong khi đó, giá dầu hạt cải có xu hướng tăng, chủ yếu do nhu cầu của các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học tăng và triển vọng sản xuất không mấy tích cực tại EU.
Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 170,7 điểm trong tháng 7, giảm 3,3 điểm (tương đương 1,9%) so với chỉ số giá điều chỉnh trong tháng 6. Điều chỉnh tăng chỉ số giá trong tháng 6 chủ yếu phản ánh giá thịt bò tăng mạnh tại Brazil, gây ra bởi cuộc biểu tình của các lái xe tải tại nước này làm giảm xuất khẩu, trong khi giá thịt lợn và giá thịt gia cầm cũng giảm. Tuy nhiên, giá thịt cừu tăng nhẹ do nhu cầu nhập khẩu cao, đặc biệt là từ Trung Quốc và Mỹ.
Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 199,1 điểm trong tháng 7, giảm 14,1 điểm, tương đương 6,6% so với tháng 6. Ở mức này, chỉ số giá sữa cao hơn 10,7% so với hồi tháng 1/2018 nhưng vẫn thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm 2017. Giá tất cả các loại sữa trên thị trường quốc tế đồng loạt giảm trong tháng 7/2018, đặc biệt là giá bơ và giá phô mai. Giá sữa bột nguyên kem và giá sữa bột gầy cũng giảm. Các thị trường sữa đồng loạt gặp áp lực giảm giá, chủ yếu do nguồn cung xuất khẩu dồi dào, bao gồm triển vọng xuất khẩu tốt tại New Zealand.
Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 166,7 điểm trong tháng 7/2018, giảm 10,7 điểm, tương đương 6% so với tháng 6 và giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu là do triển vọng sản lượng tăng tại một số nước xuất khẩu đường lớn, đáng chú ý nhất là Ấn Độ và Thái Lan. Các nhà đầu cơ dự báo sản lượng đường của nước sản xuất – xuất khẩu đường lớn nhất thế giới Brazil giảm do hạn hán và tỷ lệ mía dành cho sản xuất ethanol tăng lên, giúp hạn chế đà giảm giá đường trên thị trường quốc tế.
Theo FAO