Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu hạt điều hướng đến mục tiêu giảm lượng, tăng chất
07 | 10 | 2018
Từ năm 2006, Việt Nam vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giá xuất khẩu điều nhân luôn biến động và điều này đặt ra cho ngành điều Việt Nam trước thách thức mới là đầu tư vào giá trị gia tăng theo phương châm giảm lượng - tăng chất.

Trong hai ngày 6 và 7-10, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã tổ chức Hội nghị điều quốc tế - Việt Nam 2018 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas, năm 2017, nhân điều là mặt hàng nông sản xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu 3,62 tỉ đô la Mỹ, xếp trên mặt hàng rau quả, cà phê, lúa gạo, hồ tiêu. Tuy nhiên, bước vào năm 2018, ngành điều toàn cầu sau chu kỳ tăng trưởng dài (giai đoạn 2011 - 2017) đã có những điều chỉnh nhẹ, cùng với những biến động của tình hình kinh tế thế giới, sản xuất kinh doanh điều gặp khó khăn.

Theo số liệu của Vinacas, năm 2017 ghi nhận giá điều nhân xuất khẩu loại W320 ở mức cao nhất trong nhiều năm qua khi ở mức 5,2 đô la/poun (0,454kg), nhưng đến đầu năm 2018, giá giảm xuống còn 4,7 đô la/pound và đầu tháng 9 chỉ còn 3,7 đô la/pound. Do đó, để giữ được vị thế là nước xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới, ngành điều phải chuyển theo hướng giảm lượng tăng chất, tức là bán với số lượng ít nhưng giá bán phải cao hơn.

Tại hội nghị này, đã có diễn giả dự báo giá điều nhân sẽ tiếp tục giảm và ở mức 3 đô la/pound trong tương lai. Thông tin này đã “làm nóng hội nghị” nơi có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân. Tuy đây chỉ là một nhận định mang tính cá nhân, song cũng cho thấy, giá điều nhân xuất khẩu luôn có sự biến động mà bên nhập khẩu luôn muốn mua với giá thấp nhất có thể

Theo ông Công, để giúp ngành điều tiếp tục giữ được sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu, Vinacas chủ trương "Giảm lượng-Tăng chất" theo hướng chế biến sâu nhằm, thay vì xuất khẩu ở dạng điều nhân đóng gói xuất khẩu như lâu nay - vốn luôn bị chi phối bởi sự biến động giá như thời gian qua.

Ngoài việc khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu vào những sản phẩm chế biến sâu, việc tiếp theo mà Vinacas muốn làm là kiểm soát chất lượng đầu vào. Cụ thể, dự kiến từ 2019, hạt điều thô nhập khẩu sẽ tuân theo tiêu chuẩn TCVN:2018 về hạt điều. Theo giải thích của Vinacas, thời gian qua, đã có những vấn đề phát sinh trong việc nhập khẩu điều thô từ các nước, trong đó, có nhiều lô điều thô nhập khẩu không đồng đều về chất lượng, vì thế, với việc đưa vào quy định điều thô nhập khẩu phải theo tiêu chuẩn TCVN:2018 sẽ giúp ngành điều Việt Nam giải quyết khó khăn này.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn



Báo cáo phân tích thị trường