Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ký kết hiệp định lâm nghiệp FLEGT: Gỗ hợp pháp rộng đường vào EU
23 | 10 | 2018
Với việc Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội cho các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam sang EU rộng mở hơn bao giờ hết.

Đảm bảo sự minh bạch

Hiệp định VPA/FLEGT được ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPT, ông Sebastian Kurz - Thủ tướng Áo, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu và bà Federica Mogherini - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu ký trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12) diễn ra tại Brussels (Bỉ).

 “EU hoan nghênh tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được nhằm chuẩn bị cho việc thực thi VPA/FLEGT và các bước đầu tiên trong việc tăng cường kiểm soát gỗ nhập khẩu. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn thế nữa. Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi đầy đủ Hiệp định VPA/FLEGT và góp phần đảm bảo rằng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU có nguồn gốc hợp pháp" - bà Federica Mogherini nói.

“Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững phù hợp với các mục tiêu phát triển và nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo vệ rừng và hạn chế biến đổi khí hậu" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.  Theo ông Cường, để thực hiện Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) toàn diện và tin cậy nhằm đảm bảo gỗ nhập khẩu và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp thông qua hệ thống xác minh đối với gỗ trong nước và gỗ nhập khẩu được khai thác và kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật của nước khai thác.

“Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp, sẽ có hiệu lực từ tháng 1.1.2019. Luật mới này nghiêm cấm việc nhập khẩu gỗ được sản xuất bất hợp pháp vào Việt Nam” – ông Cường nói.

Việt Nam đã có kế hoạch chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, với sự tham gia tích cực của đại diện từ các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển thông qua nhóm nòng cốt đa bên.

Bên cạnh những lợi ích về mặt môi trường, kinh tế và xã hội gắn với việc quản lý ngành lâm nghiệp Việt Nam tốt hơn, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của quy chế gỗ của EU, ngăn chặn việc đưa gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU.

Mở rộng cơ hội xuất khẩu

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng năm 2018 ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang các nước EU chiếm 9,4%. Đặc biệt, nửa đầu năm, Thụy Sĩ, Séc và Malaysia tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Việt Nam, tăng lần lượt gấp 1,5 lần; 1,2 lần và gấp 1,09 so với cùng kỳ năm ngoái.

Với 500 triệu dân và kinh tế phát triển, EU chiếm khoảng 1/4 thị trường tiêu thụ đồ gỗ thế giới. Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU khoảng 700-800 triệu USD, trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gỗ của EU lên tới 85 tỷ USD/năm. Với việc ký kết Hiệp định VPA/FLEGT, dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu gỗ sang EU có thể đạt khoảng 1 tỷ USD/năm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, VPA/FLEGT là cơ hội để tăng cường công tác quản lý gỗ, tăng cường việc theo dõi giám sát hành trình của sản phẩm từ gỗ. Nguồn nguyên liệu làm đồ gỗ hiện nay Việt Nam nhập khẩu từ nhiều nước, đôi khi gặp khó khăn trong việc giám sát hành trình gỗ, đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào đảm bảo gỗ đưa vào chế biến, xuất khẩu là gỗ hợp pháp, không gây hại đến rừng và môi trường.

Để đạt được điều đó, chúng ta phải hình thành hệ thống theo dõi xuất xứ đồ gỗ nguyên liệu, cần sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng. Được biết, hiện nay Việt Nam đang sử dụng hai nguồn gỗ nguyên liệu từ nhập khẩu và trong nước. Đối với nguồn nhập khẩu, việc truy xuất rõ nguồn gốc phải được thực hiện nghiêm túc và triệt để.

Bên cạnh đó, đối với nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, hiện việc cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các diện tích rừng trồng đang được ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện dù công việc này khá tốn kém. Tin rằng, với Hiệp định VPA/FLEGT, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ có thêm nhiều cơ hội tìm đường sang thị trường EU.

Theo NTNN



Báo cáo phân tích thị trường