Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải cứu "vàng đen"
12 | 12 | 2018
Khẳng định chất lượng sẽ quyết định giá hồ tiêu xuất khẩu, do đó chuyên gia kiến nghị, cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp tạo chuỗi sản xuất hồ tiêu sạch, hồ tiêu theo chuẩn Ogranic.

Do áp lực nguồn cung lớn, từ năm 2017 đến nay ngành hồ tiêu Việt Nam liên tục phải đối mặt với tình trạng giá giảm chóng mặt. Cụ thể, sau khi phiên cuối tuần trước giá tiêu sụt giảm 1.000 đồng, thì nay bước sang phiên đầu tuần ngày 10/12/2018 giá tiêu tiếp tục giảm mất mốc 55.000 đồng/kg. 

Xuất khẩu giảm 32,5% về giá trị

Tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước giá giảm đồng loạt 1.000 đồng/kg, tại Gia Lai, Đồng Nai giá giảm 2.000 đồng, duy chỉ có tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá giữ nguyên không đổi. Hiện, giá tiêu đang được các doanh nghiệp và thương lái thu mua quanh mức 52.000 – 54.000 đồng/kg, tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá có mức cao hơn cả 55.000 đồng/kg.

Nếu như trước đây vài năm, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên tăng cao chóng mặt và được xem là "vàng đen" khiến người nông dân như “say nắng” mà mang hết tài sản ra thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư. Thì sau đó, diện tích hồ tiêu vượt tầm kiểm soát, cũng là lúc hàng loạt vườn tiêu chết trắng, không có cách gì ngăn cản nổi. Theo nhận định của các chuyên gia, tiêu “tiêu tàn” là vì giá hồ tiêu lao dốc chứ không đơn thuần do cây tiêu chết. 

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tháng 11/2018 ước đạt 12.000 tấn, với giá trị đạt 38 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hồ tiêu 11 tháng năm 2018 ước đạt 220.000 tấn và 718 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm 32,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Tại các thị trường, do giá xuất khẩu hồ tiêu giảm liên tục nên giá trị xuất khẩu tiêu sang hầu hết các thị trường trong 10 tháng năm 2018 đều giảm so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt giảm mạnh nhất ở thị trường Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (giảm tới 34 triệu USD, tương đương giảm 57,7%). Theo đó, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân 11 tháng năm 2018 ước đạt 3.264 USD/tấn, giảm 37,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch kiểm tổng Thư ký Hiệp Hội Hồ tiêu Chư Sê phân tích, qua theo dõi, cứ chu kỳ khoảng 10 năm thì giá hồ tiêu lại xuống đáy một lần do sản lượng hồ tiêu cung vượt cầu. Hiện nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn thế giới cần khoảng 300.000 tấn/năm, trong khi tổng sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2017 đã đạt khoảng 215.000 tấn, đó là chưa kể hồ tiêu của Indonesia, Ấn Độ, mà chủ yếu là để xuất khẩu.

Liên kết doanh nghiệp sản xuất tiêu chất lượng

Do đó, để giải quyết cuộc khủng hoảng thừa, theo ông Bính, có rất nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất vẫn là bài toán sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm phải chế biến sâu, xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam, thì mới có giá trị.

"Hiện nay hồ tiêu Việt Nam bán ra đã phải chiết khấu cho khâu lưu thông bán lẻ tới 50%, khâu chế biến 30%, còn nguyên liệu được 15 - 20%. Cho nên, giải pháp trước mắt là không mở rộng diện tích, người trồng tiêu cũng cần thay đổi phương thức canh tác, có thể từ trồng lấy số lượng chuyển sang lấy chất lượng",ông Bính kiến nghị.

Trên thực tế, theo Cục Trồng trọt, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu trong nước tăng rất nhanh. Năm 2010, cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha; năm 2014 là 85,591 ngàn ha; đến hết 2017 là 152,668 ngàn ha, tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.

Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha, như vậy diện tích trồng tiêu hiện nay đã gấp 3 lần so với quy hoạch ban đầu. Dự kiến, năm 2018, sản lượng tiêu đạt 230.000 tấn, tăng so với mức ước tính 210.000 tấn năm 2017 (175.000 tấn năm 2016).

Cùng với đó, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo, từ nay đến cuối năm giá hồ tiêu sẽ không có biến động nhiều do nhu cầu thị trường thế giới không tăng. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp (doanh nghiệp) xuất khẩu cần phải chủ động khai thác tốt lợi thế là quốc gia đang nắm trong tay nguồn cung lớn, và cần có bài toán kinh doanh tốt để có thể nâng giá tiêu xuất khẩu lên.

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch kiểm tổng Thư ký Hiệp Hội Hồ tiêu Chư Sê, cần đẩy mạnh xây dựng các HTX, mô hình liên kết theo chuỗi và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu sạch. “Ví dụ như Campuchia, hiện họ có HTX canh tác hồ tiêu và được một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trồng tiêu theo chuẩn Ogranic, sản phẩm hồ tiêu được một công ty của Thụy Sỹ thu mua với giá 13 USD/kg. Phải như thế thì mới đảm bảo thu nhập bền vững”, ông Bính nói

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp



Báo cáo phân tích thị trường