Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để nông dân không còn 'cay mắt' vì giá tiêu
04 | 01 | 2019
Năm 2018, Việt Nam tiếp tục trải qua cơn khủng hoảng giá tiêu do áp lực dư cung. Tuy nhiên, nguồn cung trong thời gian tới được dự đoán sẽ hạ nhiệt. Trong bối cảnh giá tiêu thấp như hiện nay chế biến sâu và giảm diện tích trồng được xem là lời giải cho bài toán hiện nay.

Sức ép dư cung dần hạ nhiệt

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 12/2018, giá tiêu trong nước giảm 5,4 - 7% so với tháng trước đó xuống còn 52.000 - 53.000 đồng/kg.

Tại cảng TP HCM, cuối tháng 12, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 g/l và 550 g/l giảm lần lượt 5,6% và 3,5% xuống mức 2.525 USD/tấn và 2.775 USD/tấn. Giá tiêu trắng xuất khẩu cũng giảm 1,3% xuống còn 3.925 USD/tấn.

Như vậy, tính chung năm 2018, giá tiêu trong nước giảm mạnh khoảng 15 - 17%.

Diễn biến giá tiêu năm 2018. (Số tiệu tổng hợp từ Bộ NN&PTNT)

Cục Xuất nhập khẩu nhận định thị trường tiêu chịu sức ép giảm giá do áp lực dư cung, tuy nhiên áp lực này đang có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo 6 tháng đầu năm 2019, thị trường hạt tiêu thế giới nhìn chung sẽ khả quan hơn.

Theo Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Hạt tiêu Kampot (Campuchia), xuất khẩu tiêu của hiệp hội năm 2018 đạt 50.000 tấn, thấp hơn so với mức 80.000 tấn năm 2017. Sản lượng của nước này cũng giảm 30.000 tấn so với năm 2017, xuống còn 70.000 tấn do thời tiết không thuận lợi.

Còn Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC) cho biết tổng sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2019 dự báo đạt 4,9 triệu tấn, giảm so với 5,2 triệu tấn trong năm 2018.

Tại Việt Nam, diện tích trồng cây tiêu sẽ có xu hướng giảm trong năm 2019. Tờ The Star dẫn lời ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Tiêu Việt Nam, cho biết sắp tới Việt Nam sẽ giảm diện tích trồng tiêu khoảng 26,7% xuống còn 110.000 ha nhằm đối phó với giá tiêu giảm. Lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới 65% tổng lượng hạt tiêu toàn cầu.

Tại Hội nghị Triển vọng ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết trong những năm qua diện tích tiêu tăng quá nhanh không thể kiểm soát được ẩn chứa rủi ro phá vỡ ngành hàng.

Theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích hồ tiêu hiện nay đã đã gấp 3 lần so với quy hoạch ban đầu.

Sản lượng hạt tiêu năm 2018 ước đạt 230.000 tấn, tăng 20.000 tấn so với năm 2017.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo cần tập trung tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu. Trước tiên, diện tích hồ tiêu không được tăng thêm và phải kiên quyết kéo giảm xuống, đặc biệt ở những nơi không phù hợp để trồng cây này.

Lời giải cho bài toán khủng hoảng giá tiêu

Theo Cục Xuất nhập khẩu về dài hạn, ngành tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Theo đó, để nâng cao giá trị mặt hàng, doanh nghiệp và người sản xuất phải thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

Bên cạnh đó hiện nay chất lượng tiêu giống vẫn còn là bài toán lớn mà ngành cần giải quyết. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét một ngàng hàng có giá trị xuất khẩu lên tới 1 tỉ USD như hạt tiêu lại chưa có cây giống nào được công nhận là không thể chấp nhận được.

Ngoài ra, việc chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch bệnh trên nhiều diện tích trồng tiêu.

"Bộ phải tập trung làm ngay công tác về giống tiêu, chọn ra được những giống tốt để công nhận. Đồng thời, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái", Bộ trưởng nhận định.

Về mặt chế biến, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng ngành hạt tiêu cần nghiên cứu để gia tăng giá trị sản phẩm bằng cách chế biến chuyên sâu như hương liệu, sản phẩm có dược tính, thực phẩm chức năng.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cũng cho rằng trong dài hạn, chất lượng sẽ là yếu tố quyết định đối với giá hạt tiêu, do đó cần có chính sách giúp đỡ và thúc đẩy nông dân sản xuất hạt tiêu theo hướng hữu cơ. Đồng thời, ngành cũng xây dựng và quảng bá thương hiệu tiêu của từng địa phương đến các thị trường trên thế giới.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Intimex Group, cho biết có tới 95% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam làm ra được dùng để xuất khẩu, vì vậy, chất lượng là con đường mà ngành hồ tiêu phải đi.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, doanh nghiệp cần liên kết với người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững, chấm dứt hiện tượng lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đi vào chế biến sâu các sản phẩm tiêu như tiêu đen nghiền hay tiêu trắng nghiền.

Chủ tịch Hiệp hội tiêu thông tin nếu như giá tiêu thô chỉ dao động khoảng 2.800 - 3.000 USD/tấn, thì giá tiêu đen nghiền và giá tiêu trắng nghiền lên tới 5.000 USD/tấn.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường